
Thường Quán
Những truyện, thơ, và những mảng ghi rời và độc thoại làm thành một tác phẩm đầu tay của Nhã Thuyên cứ như là một thành phố nhiều mặt. Mỗi lần đọc thành phố ấy lại chuyển dịch đi một hướng, một tầm. Tôi không biết đó có phải là do sự phân mảnh, sự nổi trôi của chữ lời, như vốn thấy ở những tập thơ có nhiều khoảng trống và bóng tối. Ở đây lại còn thêm là một tập hợp ngoài qui ước, sự phân mảnh, lai pha thể loại, một hành trình đi vào cái tôi để ngỏ, những nhân vật, những thế giới có khi được kịch hoá, lại rất có thể đang đùa nghịch với chính sự ra đời và lên sân khấu của mình. Người đọc bị buộc phải tích cực đọc, và đọc lại nhiều lần.
Viết chia thành hai phần, nhưng làm như không cốt để bố-trí-thành-phố có được sự quân bình, mà là cho một hiệu dụng nào khác. Một mảnh rời ở phần đầu có khi vang vọng, được chuyển thể ra một mảnh khác ở phần sau. ‘Một Thân Phận Cua đã Tới’ và ‘Kẻ Không Biết Cười’ là một thí dụ. Một tấm gương của Borges đâu đó đang được ứng dụng.
Lời hướng dẫn ‘hãy bắt đầu với những ký tự mở và khép’ – nghĩa là hãy chú ý tới ngôn ngữ – chỉ ra thêm một tầng lạch khác, chứ không phải đơn thuần là một dấu chỉ (đường). Ngôn ngữ hiển nghĩa và ngôn ngữ tiền nghĩa (biểu cảm), được ứng dụng với những độ pha chế riêng biệt có thể gây hứng thú, phấn khích, cũng có thể gây bối rối. Một thành phố quả nhiên là chứa ngầm những bất trắc.
Nhã Thuyên ý thức ngôn ngữ và nghệ thuật có những giới hạn của nó. Sự nguy hiểm của chữ và sự thất bại của nghệ thuật, khi tìm tới sự đồng cảm của kẻ khác, là có thực. Nhân vật Kẻ Không Biết Cười như một hiệp sĩ mưu tính phản ánh đám đông, để cứu vãn họ, thất bại. Anh không thể thay đổi ai được. Không có một sự hiểu biết chia xẻ nào cả. Không một sự đồng cảm nào cả. Rồi khi bản thân quay lại với chính mình nhận ra sự biến thái – lãnh cảm – ngay nơi chính anh, tôi không còn là tôi nữa, cuộc kết liễu không tránh khỏi. Một mỉm cười lúc buông tay cũng chỉ để cho anh. Thế giới đám đông vẫn lãnh đạm không biết anh là ai, trừ một bề mặt ngộ nhận.
Sự tham dự vào hành trình sống và viết đòi hỏi trước hết là sự trung thực với cái nhìn, cái cảm của mình, như một cá thể rung động. Thông điệp ấy người đọc có thể tìm thấy ẩn hiện nơi này nơi kia bên trong tác phẩm. Thách thức định mệnh và số phận, đi tới tận cùng cá tính, là một cách để tìm ra khuôn mặt trung thực duy nhất, gắn liền với linh thể của mình (‘Con Nai Của Frida Kahlo’). Đặt nghi vấn với những khái niệm, qui ước, giáo luật, để tìm ra sự thực nối kết ta và thiên nhiên (‘Ngọn Núi của Hakuin’). Thông điệp, tuy nhiên, cũng chỉ là hệ quả của diễn dịch. Diễn dịch là rút tỉa cho mình, và có ý nghĩa trong giới hạn đó mà thôi. Nhưng mà giá trị của sự viết thì nằm ngay trong hành tác có tính tham dự. Viết là tung mở cho một khả thể khai phóng. Nếu như anh trung thực với suy nghĩ, cảm ứng, kinh nghiệm, của chính anh, chứ không bị điều động bởi những thứ bên ngoài. Sự định nghĩa lại, sự viết lại, ngắm nghía, soi rọi lại cũng vậy, nó đòi hỏi một tinh thần suy xét độc lập, tự kiếm tìm, tự đặt lấy vấn đề, tự dò dẫm tìm kiếm ngôn ngữ mới mẻ, những cách nói mới, những hướng nhìn mới, hầu có được một tác phẩm cụ thể – để mà chia xẻ với kẻ khác.
Truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn đã ở lại trong dòng kể của lịch sử con người, chúng cũng cần được viết lại để xem những vận động, những thao tác ngôn từ, sẽ đưa tới những khám phá nào. Truyện cổ tích đa phần là nhằm để giải thích một sự vật, sự việc nào đó, trong giai đoạn định danh sự vật của con người, chúng chẳng lẽ phải được tuân phục và kế thừa mãi mãi không thay đổi, một bản sao duy nhất như vậy?
Trong ‘Câu Chuyện của Người Già’, Qủi, Người và Phật được viết lại qua một cái nhìn khác. Phật như một khách phương xa tới, có một lý tưởng hoằng pháp, lẫn một sự vô tư (tất nhiên), rất khác với Quỉ và Người là hai thứ đều tinh ranh ngang ngửa nhau. Và cuộc lừa của Qủi và Người đưa tới một chung cuộc mà ngày hôm nay người vẫn thỉnh thoảng ân hận nhớ lại, với tiếng kêu buột ra từ tiềm thức cộng nghiệp “Qủi thần ơi!” Nhưng hãy cẩn thận, ẩn nghĩa của câu chuyện kể lại cũng như không nằm mỗi ở đó. Đoạn cuối câu chuyện mở ra một điểm then chốt khác: “Người già cũng bảo rằng chịu chẳng nhớ nổi cái gì cho rõ ràng nữa, mọi chuyện chừng như đã xa xôi quá rồi mà.” Trí nhớ là phần rất quan trọng của con người, sự suy đồi của trí nhớ vì sự hư mòn chất xám, thiếu suy tư phản biện, vì sự tuân phục, vì sự sợ hãi áp lực của muôn vàn thứ, sẽ đưa chúng ta đi về đâu?
Đừng nghĩ là con người văn minh đã thoát ra khỏi những hỗn loạn tối tăm. Adrienne Rich trong một tiểu luận về thơ từng nhìn thấy:
“Tôi sống cùng cơn sợ hãi bị ngoại lực điều động, với ngu muội, với xáo trộn văn hoá và xung đột xã hội bám cứng vào nhau trên một đường nứt ngầm của một đế quốc. Tôi hy vọng không bao giờ sẽ lý tưởng hoá thơ ca – nó đã chịu khổ quá đủ rồi. Thơ chẳng phải là một lọ thuốc chữa lành, một phép xoa nắn cảm xúc, một loại trị liệu pháp sử dụng mùi hương ngôn ngữ.”
(I live with manipulated fear, ignorance, cultural confusion and social antagonism huddling together on the faultline of an empire. I hope never to idealise poetry – it has suffered enough from that. Poetry is not a healing lotion, an emotional massage, a kind of linguistic aromatherapy.)
Adrienne Rich, ‘Legislator of the World’, 18 Nov 2006, The Guardian.
Sự truy tầm, đào xới trở lại, sẽ lật ra những huyền thoại xơ mòn, buộc con người không thể ngủ say với những chấp nhận biếng lười, quên mất chỗ đứng của anh ta vẫn còn nguyên trên lằn ranh cũ của những vấn đề mà văn minh vật chất không giải quyết được, mà những pháp sư, hay những phép trị liệu tinh thần cũng vô bổ. Chẳng thà là anh hãy nhìn thẳng vào sự thật và thấy đúng sự nghèo nàn của mình, bệnh tật của mình, và cứu chữa lấy nó. “Người Bệnh Nằm Đó” quả nhiên như tựa đề của một truyện ngắn trong Viết. Khi con người bất lực, khi nó đầu hàng những hệ thống nghiệt ngã, tàn bạo, thì Số Phận, Phần Số, Định Mệnh thắng thế. Khi nó tư duy, suy nghĩ, biểu hiện khao khát, thực hiện đồ án, làm nghệ thuật, tạo tác, thì nó đánh trả lại Số Phận. Ở ‘Thực Hành Một Quyết Toán Hủy Diệt ‘, Số Phận nói “Dây dưa với những kẻ có suy nghĩ và thèm sống mệt không tưởng nổi“, chính là vì vậy.
Chuyến đi của con người được kiên định và nhớ lại qua những khúc quành, biến cố, đập mạnh và hắt lên. Bao nhiêu thứ kết tụ vào cái thành phố bên trong kia, đời đời kiếp kiếp, lập đi lập lại, của bao con người, nhân vật, thời gian xóa nhoà đi rồi vẫn còn mãi hiện diện, những tì vết trên những tường thành. Những nhân vật từng có, hay ta phải tạo ra, như một cái cớ để sống lại trí nhớ (truyện ‘Biển’). Chuyến đi ấy là một hành trình cô đơn mà (hy vọng) là không cô độc. Tác giả Viết gọi Cô đơn và Cô độc là Song Sinh, là ra đời cùng lúc, để sát cạnh nhau, soi được vào nhau, mà khác biệt
…
Nỗi cô đơn, mênh mang, mở
mãi, mây, nước, màu trắng, bao dung, thi sĩ,
triết nhân, chúa cứu thế… Còn nỗi cô độc
nặng trầm, vón cục, khép chặt, đá,
chì, màu đen, vực thẳm, rừng sâu, thèm
biển, nước mắt, nhạo báng, văn sĩ, kẻ sát
nhân, nhà khoa học, tội lỗi, nghiệp chướng,
tự sát…
Đằng sau chúng, chỉ có những câu
chuyện sinh thành là khác nhau, còn lại,
không một ai biết gì hơn cả, không bao giờ
hiểu được, cô đơn và cô độc, anh và em,…
Cuộc định nghĩa lại từ ngữ này làm thành một bài thơ đậm đặc (nếu không nói là đậm đặc nhất) về mặt ngôn ngữ trong tập.
Có thể so sánh đoạn này với một chỗ Robert Dessaix – trong Night Letters (Những Lá Thư Đêm) – nói về cô đơn – ‘cô đơn’ / ‘solitude’ như một chữ, một ký tự, một âm thanh:
‘Trong những ngày đầu tiên của tháng Chín ấy tôi thức dậy đêm này qua đêm khác từ những giấc mơ lạnh buốt va đập loanh quanh trong một khu rừng của những xác chết bị treo lên. Tôi lảo đảo đi, đi thành vòng tròn, xoa hai bàn tay vặn vẹo vào nhau. (Người ta thực sự có xoa vặn hai bàn tay vào nhau.) Tôi không còn làm thế nữa, nhưng tôi còn thức dậy khao khát có người nào bên cạnh, để cảm thấy có mặt cạnh một người nào tử tế. Nếu không, trong đêm, bất cứ bóng ma nào đi qua cũng có thể găm những chiếc răng của nó vào cổ họng tôi. Thực ra, tôi đang ngày một nghi ngờ về chữ ’solitude’. Nó là một chữ thanh nhã, mang tính cổ kính La tinh, nó có âm thanh bay lên, nhưng nó dường với tôi đòi hỏi một độ độc lập kinh tế nào đó và một chức phận xã hội để có hiệu dụng. Nếu không nó sẽ được gọi là loneliness (sự đơn chiếc, sự đơn độc, sự cô quạnh), abandonment, desertion (sự bị bỏ lại). Có lẽ là vấn đề quân bình. Một vài giờ mỗi tuần cô đơn là đủ cho tôi, và chỉ nên là trong ngày.’
(During those first days back in September I woke night after night from chilling dreams about banging around in a forest of hanged corpses. I ‘d stagger to my feet and walk in circles, wringing my hands. (People really do wring their hands.) I don ‘t do that any more, but I do wake up feeling desperate to be companioned, to feel present with someone kind. Otherwise, in the night, any passing phantom can sink its teeth into your throat. In fact, I’ve been growing suspicious of the word ’solitude’. It ’s such an elegant word, so Latinate, it sounds somehow so elevated, but it seems to me to require a certain level of economic independence and social status to work. Otherwise it ’s called loneliness, abandonment or desertion. Perhaps it ’s a matter of balance. A few hours a week of solitude is enough for me, preferably during the day.)
Robert Dessaix, Night Letters, Picador, 1996
Bất ngờ những tra vấn ngôn ngữ – bằng cảm quan, kinh nghiệm đời sống, nhu cầu, khát vọng – ở hai nơi xem lại cũng là đối chiếu được.
Tác phẩm này của Nhã Thuyên có những mảnh kịch biểu hiện, nhưng đa phần nó thể hiện thế giới suy nghĩ, cảm nhận, bình thường, không nhiều mang mượn, không màu nồng, không lên lớp.
Như một thành phố chữ, nó là thành phố của con người trơ trọi, mất trung tâm, vỡ mảnh, nhưng không ứ đọng, nó còn trong dòng sống, khát sống, thành thực và trẻ trung thành thực, không bi kịch hoá [Nó có thể bị giản thiểu, như một phong cách, và có khi bị đánh phới tan tác, bị ép lại chút gì, méo lệch đi một độ nào đấy, có lẽ do những vang vắng, do sự cố tình giản thiểu kia.]
Mỗi người viết có trước hết là chính bản thân mình như một khả thể của những cảm thức để bắt tay vào hành trình do chính hắn tự giao phó lấy. Viết là cho phép mở hy vọng. Hy vọng thoát khỏi những sạn đạo cô độc, những tường chắn của số phận, những ác mộng, những sự lãnh-đạm-không-biết-cười.
Người ta thường qui thuận chút qui ước: tối tăm là chỗ phải tránh, đắng là chất không nên nuốt vào. Tránh hay không thì thế giới vẫn đầy bóng tối đêm và chất đắng. Nó hiện hữu một cách tự nhiên. Anh không tránh khỏi, vậy thì hãy nhận lấy nó, như nhận lấy những rách nát, những khoảng trống, những thảng thốt thấy. Những cái thảng thốt thấy (như ở ‘Hai Kẻ Đào Huyệt’) gọi nó là gì thì vẫn là cái phần u ẩn nhất lại là trống trải nhất, một phông bày không biết của ai. Tưởng nó chưa thể tới, chưa đúng giờ xuất hiện, vậy mà nó tới. Nó tới, nó nằm trong thành phố kia, và thế là anh phải đi sát cạnh nó, va vào nó, không tránh đâu được.
Thường Quán
(Bài đăng trên Damau.org 2008. Đọc tại đây.)
[…] Đọc Viết của Nhã Thuyên (Thường Quán) […]
LikeLike