Khách thơ


Don't Panic

     ————————————–Really love Google at the moment: Do you mean Poetry = (Don’t ) panic?————–

  – Khách thơ gặp lúc mùa xuân chín –

                                –  Hàn Mặc Tử & a dreaming non-reader-

 

1. Ba năm trước, khi tôi đang ở tuổi 24, một người bạn tặng tôi một câu trích từ một tiểu luận về Ezra Pound của T.S.Eliot, tiểu luận “Ezra Pound: His Metric and Poetry”: “When a poet alters or develops, many of his admirers are sure to drop off. Any poet, if he is to survive as a writer beyond his twenty-fifth year, must alter; he must seek new literary influences; he will have different emotions to express” “Khi một nhà thơ thay đổi hoặc phát triển, hắn ta chắc chắn sẽ để rơi rụng đi nhiều kẻ ái mộ. Bất cứ nhà thơ nào, nếu muốn sống sót như một người viết qua khỏi tuổi 25, đều phải thay đổi; hắn phải tìm kiếm những ảnh hưởng văn chương mới; hắn sẽ có những tình cảm mới để biểu lộ.” Tôi nhớ câu trích này không phải vì (thích) ý tưởng của Eliot, người đã cách xa ta hàng thế kỉ, mà vì cái khoảnh khắc chia sẻ bạn bè quan trọng đó cho tôi hiểu ra một điều thiết thân với mình, có thể nằm ngoài điều Eliot nói: bây giờ, với tôi, nỗ lực làm ra/tìm cái mới, tìm ra nguồn ảnh hưởng mới không đem lại cho chúng ta thơ ca. Thơ ca có ở sẵn đâu đó để ta tìm kiếm? Sự rộng rãi và chiều sâu trải nghiệm của chúng ta dường như không chỉ đến từ việc làm ra những bài thơ như những sản phẩm nhân tạo mới mà từ nhu cầu tạo ra một con đường riêng của mình – quả thật, nếu như tôi vẫn cần phải nương bám vào hình ảnh “một con đường”, và giả định rằng có một cái gì đó gọi là “con đường” trong văn chương, thì đó luôn là một con đường đổi thay cảnh sắc bất tận, một con đường luôn biến dạng. Con đường đó mang ý hướng thơ ca từ những hạt bụi đầu tiên tạo nên nó, từ hơi thở nhẹ mỏi mệt của khách lữ hành, từ mạch nước ngầm phía dưới những lớp đất thô cứng, từ một bóng cây đổ phía trước mặt. Con đường đó luôn hứa hẹn những bắt đầu, những nỗi hân hoan thơ ca mà kẻ lữ hành kia chưa từng trải nghiệm, nhưng biết là có gì đáng kể phía trước đang đợi hắn đi tiếp. Mỗi nhà thơ có thể nằm, ngồi, đi, đứng trên con đường đó, bởi vì tôi hình dung mỗi một nhà thơ khi bắt đầu phơi trải thơ ca của mình chính là một con đường như vậy.

2. Một nhà thơ, với tôi, luôn là kẻ bắt đầu, một người học vỡ lòng, một khách lữ hành vô sở cầu, người luôn rậm rịch cho một cuộc đi không đích, và hình như cũng không (mong) dừng lại quá lâu ở một nhà ga bất kỳ. Trong suốt năm năm qua, tôi chỉ muốn kể từ cuốn sách đầu tay, cuốn Viết năm 2008, hầu hết những điều ít ỏi tôi đã làm, trải ra trên các hoạt động đọc, viết, xuất bản, trò chuyện, học thêm những điều mới… dường như chỉ là nỗ lực cho sự khởi đầu một quan hệ mà tôi mong đợi sẽ dài lâu với thơ ca. Tôi dường thấy mình dễ tổn thương trước những hàng rào sắt hiểm ác chực chờ làm tiêu ma các nhà thơ, những khung khổ của trật tự chính trị, xã hội, kinh tế, hữu hình và vô hình. Dưới mắt tôi, các nhà thơ (Việt Nam) đang phải tự thử thách mình trong những điểm va chạm mạnh mẽ với bối cảnh của nó: hắn có nhu cầu (và tìm cách) vượt ra khỏi khả năng/tình trạng bị điều kiện hoá trong những khung khổ đó không, có thể tin vào khả năng vượt qua những dây cháy chậm bùng nhùng đó của hắn không? Mối quan hệ của một nhà thơ với bối cảnh, với thời mà hắn ta sống, không thể là một mối quan hệ bị điều kiện hoá. Nhà thơ là một tồn tại độc lập trong thế giới này. Hắn không phải là một sinh vật tinh hoa hay kì dị để các dạng thức quyền lực (trong đó, tôi nghĩ, có cả quyền lực mà nhà thơ đã tự vẽ ra: ảo tưởng về sứ mạng thơ ca) tóm lấy làm vật hiến tế trong đám rước một vị thần Tự Do huyễn hoặc.

3. Cách thức nhỏ bé mà tôi đang dùng để cảnh giác những nguy hiểm rình rập này là trông đợi vào một ý hướng thơ ca. Điều tôi thấy thiết yếu với mình gần đây không chỉ là việc làm ra được bài thơ/truyện ngắn/tiểu luận/cuốn sách.., hay bất cứ một cái gì có thể “làm”, mà là một ý hướng làm tươi mới các quan hệ, làm tươi mới đời sống và sáng tạo lại những trạng thái sống của chúng ta. Trong văn chương, một tiểu thuyết, một truyện cực ngắn, một tiểu luận cá nhân, phê bình, hay thậm chí một nghiên cứu khoa học, một bài báo nhỏ, tất cả đều có thể trở thành những phương cách thơ ca. Cái lõi của ý hướng này, với tôi, là những gì nuôi dưỡng khả năng nghĩ khác của chúng ta, để khám phá hay tạo ra những quan hệ mới (tương tác hay bất tương) của con người với con người, của con người và và thế giới phi-người, con người và/trong ngôn ngữ.  Ý hướng này chẳng phải là một phát kiến. Nhưng với tôi, đó là lời hẹn hò của một cam kết tự nhiên, là cái nắm tay của một cuộc trao đổi và kết nối, là mường tượng cho một chốn xa xôi. Điều này hẳn nhiên, phải hữu hình trong nỗ lực tìm kiếm những cơ hội để người viết người đọc được đặt mình vào, để được đổi thay, và được đổi thay cùng nhau.

4. Với tôi, đọc thơ, luôn là đọc cùng nhau. Nó thiết yếu phải là sự cam kết cho những đối thoại. Tôi đọc thơ Việt Nam. Tôi đọc thơ thế giới qua bản dịch hoặc qua vốn tiếng Anh bé mọn của mình. Tôi đọc để tìm thấy và tạo ra nơi tôi, không phải một cách thức kháng cự, mà là một cách thức làm bạn. Như những bé con không nhìn ra mối hiểm nguy của chó sói. Đọc để bớt đi cảm giác xấu hổ và xa lạ khi chạm vào cái khác. Đọc để chủ động mời một cuộc đối thoại của việc đọc và việc viết. Bởi đó không chỉ là đối diện với câu chữ mà còn là đối diện với những cách đọc, những sự đọc của người khác. Đọc để nới rộng bản thân, và do đó, nhích gần người khác.

Tôi sẽ nhớ mãi những nhà thơ yêu thích từ thơ ấu, những cảm giác thơ ca thuở học đường khi chạm tay vào những cuốn thơ in khổ bỏ túi của Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, những cuốn sách về các nhà thơ thế giới. Tôi bùng nổ khi va phải Dostoyevski, Rimbaud, tôi giãn nở khi vào thế giới của Luis Borges và tôi yêu mến vô tận không biết bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu câu thơ trong trí nhớ. Nỗi phấn khích và buồn rầu luôn đến cùng lúc khi tiếp xúc với thơ ca: các nhà thơ đã chết rồi! Các bài giảng không đem lại cho ta một hình hài thơ ca – một người bạn, chỉ có những phân tích thành bại, những đánh giá. Nhưng nhà thơ và thơ ca vẫn ở đó: bạn đồng hành với nỗi cô độc thân thiết trong cuộc đi của mỗi con người. Nỗi cô độc của chúng ta vẫn đủ rộng để nhận thêm những bạn đồng hành khác. Khi chạm vào thế giới của một nhà thơ, với tôi, đó không còn là những cái tên gắn với vinh danh, thán phục, mà luôn là ngắm nhìn, chia sẻ và yên lặng. Và vì thế, sao lại không có những lúc phập phồng cảm động khi ngỡ ngàng nhận ra người bạn ta trò chuyện bâng quơ qua đường lại là một nguồn sống thơ mạnh mẽ? Những khoảnh khắc hi vọng vẫn đầy đủ trong cuộc sống hàng ngày. Những va chạm đó giúp ta xoá đi những ranh giới chính ta đã dựng lên, những cái khung ta đã cố công xây đắp, những mốt thời trang ta hào hứng khoác lên thơ ca. Những thuật ngữ thời thượng. Những nhãn hiệu. Những tham vọng định giá và phân loại. Thơ ca cần một nhãn hiệu chăng? Hay thơ là để xoá bỏ mọi loại nhãn hiệu và những tham vọng dán nhãn thô bạo trong ngôn ngữ? Hay nó đi cheo leo trên trò chơi đi dây – dán nhãn đó? Tôi muốn dự vào một trò chơi khác của trẻ thơ: dựng lên một cánh cửa, và mở cửa, hay gỡ bỏ cánh cửa để bước vào tàu vũ trụ chỉ bằng vài nét vẽ vào cái không gian “không có gì” ngay trước mặt mình.

4. Viết, có thể là viết cùng nhau. Khi việc viết, vốn được hình dung là tuyệt đối cô đơn trở nên có thể chia sẻ, hợp tác, ta sẽ trách nhiệm hơn với những gì ta viết. Nỗi xấu hổ vì những gì mình viết không làm dừng lại được việc viết lách.Tôi không biết có cách nào để thôi tra vấn hay trốn thoát khỏi việc đặt ra câu hỏi về bản chất của thơ. Nhưng sự quan tâm thực tế của tôi bây giờ là việc sử dụng và làm giàu năng lượng thơ trong mình, để viết những điều thú vị và rộng mở, để trải nghiệm việc nghe, việc nói, những thông hiểu trong thơ ca. Viết là chia sẻ một dạng thực hành ngôn ngữ. Và ở khía cạnh nào đó, thơ ca trở thành một thứ dung môi cho sự tương tác giữa những ngôn ngữ chứ không phải để dựng lên những rào cản.

Những nhà thơ danh tiếng và những nhà thơ mới lên, những nhà thơ đã chết và những người đang sống, những danh từ này dường như không có ý nghĩa nữa, vì tất cả, chỉ là những kẻ bắt đầu. Người sống bắt đầu một cuộc đi của việc viết. Người chết bắt đầu một cuộc đi trong những sự đọc. Và có thể tất cả đều bắt đầu một tình bạn thơ, một sự chia sẻ và một lời mời tham dự và hiện diện.

Hẳn nhiên, ta luôn đợi gặp những khách thơ trong cuộc đi may rủi đó.

6.2.2013

Nhã Thuyên

3 comments

  1. Reblogged this on những điều vớ vẩn and commented:
    Những nhà thơ danh tiếng và những nhà thơ mới lên, những nhà thơ đã chết và những người đang sống, những danh từ này dường như không có ý nghĩa nữa, vì tất cả, chỉ là những kẻ bắt đầu. Người sống bắt đầu một cuộc đi của việc viết. Người chết bắt đầu một cuộc đi trong những sự đọc. Và có thể tất cả đều bắt đầu một tình bạn thơ, một sự chia sẻ và một lời mời tham dự và hiện diện.

    Hẳn nhiên, ta luôn đợi gặp những khách thơ trong cuộc đi may rủi đó.

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s