Trần Nhã Thuỵ – Lý do để viết

hand-animation

(Nguồn: http://www.conceptart.org)

Vì sao phải viết? Viết để làm gì?

Làm một bộ phim hay vẽ một bức tranh, là bởi muốn thấy cái tác phẩm ấy hiện ra ở một tình trạng hoàn hảo, để được thưởng thức một sản phẩm được hoàn thành. Còn viết, nếu chỉ để được thấy câu chuyện của mình hiện dần ra trên trang giấy thì quả là một công việc tẻ nhạt, một kết quả không mong đợi. Đó là vấn đề sáng tạo nhìn từ phía tác giả-những người trong cuộc. Đối với những người viết khác, không biết đó có phải là tâm lý phổ biến không? Nhưng với Nhã Thuyên, tôi thấy có tâm lý đó. Hay nói khác đi là thấy một thao thức thường trực về viết. Lý do để viết. Có lý do gì để viết, khi mà sự viết (với Nhã Thuyên) thường không phải là kể lại một “câu chuyện làm quà”?!

Với Nhã Thuyên, trước hết viết chưa bao giờ là nhiệm vụ, mà viết như một khả năng và khả tính. Viết là khơi ra những cảm trạng, hàm chứa sự khoái lạc. Viết cũng là lạc lối mê lộ. Nhưng, viết cũng là để giữ mình.

“Để không bao giờ viết nữa, hắn ngồi mài mười ngón tay xuống đá ngày này sang ngày khác cho đến khi hai bàn tay trụi lủi. Khi đó, hắn lại bắt đầu công cuộc tập viết bằng các ngón chân”

Đó là một truyện cực ngắn của Nhã Thuyên có nhan đề Cuộc đời tẻ nhạt. Trong truyện ngắn này, chúng ta chỉ thấy hành động nhằm chấm dứt sự viết của nhân vật. Một nhân vật không có tên tuổi, trống vắng tiểu sử, cũng không rõ là hắn viết “cái giống gì”, nổi danh hay vô danh. Chỉ biết là hắn từng viết và không muốn viết nữa. Hắn ngồi mài ngón tay để vô hiệu hóa công cụ viết. Nhưng khi hai bàn tay trụi lủi rồi thì hắn lại khởi động tập viết bằng chân. Như vậy, viết là hành động không cưỡng được, nó nằm bên trong, vừa có gì đó lay lắt, nhưng cũng thật bền chặt. Viết là vô thủy vô chung.

Và, như thế cứ viết. Viết để quên lý do viết.

Kiệm chữ, dồn nén, truyện ngắn của Nhã Thuyên xem ra khá “mặn mòi” với những phương thức ẩn dụ, cài đặt biểu tượng và cả “thơ tính”. Hiện thực đời sống, ở một chừng mực nào đó như bị cố tình phớt lờ đi. Nhưng, thật thú vị và lấy làm cảm khoái, khi thấy cuộc sống được tác giả cấu trúc lại, nuôi sống những mẩu nguyên sơ nhất. Cái cách mà tác giả tiếp cận đời sống, rồi mô tả trong truyện ngắn của mình, có thể chỉ có ở những người trẻ đang sống với một bầu máu nóng, và một tâm hồn sạch sẽ. Hay chí ít, thì những gì được kể lại cũng ở một trạng thái nhẹ nhàng và thanh thản nhất.

Ở tập truyện ngắn này, với tư cách một người viết và người đọc, tôi thấy có những truyện thật hay. Tôi muốn dẫn nguyên ra đây truyện Hai kẻ đào huyệt để chúng ta cùng đọc:

Tôi đứng từ xa nhìn đám trẻ đang nô đùa trên một khoảng đất rộng nhão nhoét bùn, nhưng bùn không hề bị lún xuống. Những đứa trẻ nhảy nhót, la hét với gương mặt phấn khích hoang dã tạo thành một vòng tròn lớn.

Ở giữa vòng tròn ấy, một cặp vợ chồng đang hì hụi đào hai khoảng đất hình chữ nhật, rộng và sâu, nhìn là biết hai người đang đào huyệt. Nước ròng ròng chảy ra từ các kẽ đất, họ vẫn mải miết cắm thuổng vào đào đào mãi và hai chân vẫn vững vàng trên khoảng bùn nhão.

Tôi quan sát họ làm, hai cái huyệt lớn dần dần hình thành.

Họ gọi hai đứa con gái đến:

– Xuống múc hết nước ở dưới đi con.

Tôi hét lên:

– Đừng, đừng để bọn trẻ xuống. Xuống là chúng ở luôn đấy đấy.

Tôi hoảng sợ thật sự, vì là tôi, chắc chắn tôi ở luôn đấy. Dưới đó mát, lành, cảm giác như huyệt của người Thiên Chúa, tôi đã nghĩ vậy. Tôi sợ hãi họ sẽ lấp đất chôn hai đứa con như người bố đã lừa lũ trẻ vào rừng sâu trong truyện cổ. Tôi sợ hãi người ta tìm ra những cách lừa bọn trẻ con.

Dưới đó mát, lành, là tôi chắc chắn tôi sẽ không lên. Nhưng là tôi, chứ bọn trẻ bị lấp chôn thì không thể. Tôi đứng hốt tim.

Nhưng hai đứa trẻ đã làm khô ráo hết nước ở dưới và lại leo lên và chạy đi và nhảy nhót.

Hai vợ chồng nhìn tôi, ý nói: Mày thấy chưa, chúng nó chẳng ở yên đấy đâu mà sợ.

Nói rồi họ nhìn nhau mỉm cười: Bây giờ thì chúng ta có thể yên ổn được rồi.

Họ nhảy xuống và tôi chẳng còn nhìn thấy gì nữa.

Tôi đứng nghĩ, người lớn và trẻ con, hai thế giới phân lập, và tôi luôn là kẻ đứng nhìn từ xa, tôi lo sợ hão huyền và chẳng bao giờ biết được điều gì thực sự xảy ra cả.

“Tôi luôn là kẻ đứng đứng nhìn từ xa, tôi lo sợ hão huyền và chẳng bao giờ biết được điều gì thực sự xảy ra cả”. Đó là một trạng thái, hay một thái độ? Tôi cho rằng đó là một sự hiểu biết, một tư chất nhà văn. Còn cái cảnh đào huyệt trên kia, với những đứa trẻ con, nó chính là cuộc sống, nếu được nhìn theo nghĩa ẩn dụ, hay nhìn như một cảnh đời, đều mang lại cảm giác rất đặc biệt. Chúng ta biết gì về cuộc đời này? Mà chúng ta lại hay có tâm lý viết như những kẻ ban ơn, truyền dạy. Chúng ta, có lẽ “chẳng bao giờ biết được điều gì thực sự xảy ra”. Và chính điều chẳng bao giờ biết đó, chính là đạo đức của người viết.

Nếu như ai đó cho rằng, nhà văn đồng thời phải là nhà tư tưởng, thì tôi nghĩ cũng không cần thiết. Nhưng nhà văn nên là những kẻ đam mê tư tưởng. Và, văn chương là gì, nếu không phải là một cách dẫn chuyển nỗi đam mê tư tưởng của mỗi tác giả. Đó cũng là một điểm phân biệt giọng giữa tác giả này với tác giả kia.

Nhã Thuyên cũng là một tác giả đang hình thành giọng của mình. Tuy nhiên, trong khi thao tác thiết kế văn bản, tác giả có vẻ thường trực “ý thức toàn cảnh”, khiến làm hao hụt đi cái bất ngờ. Alain Robbe- Grillet, ông hoàng của trào lưu Tiểu thuyết mới (nouveau roman) cho rằng: ‘Viết là bắt cây cầu nối liền mình và mình, nhưng đôi khi thay vì kết nối hai bờ của một vực thẳm, nó lại nới rộng thêm khoảng cách… Và, chính trong khoảng cách này xuất hiện những gì được viết ra”. Những gì được viết ra trong cái “khoảng trống” đó, có khi là những sơ xuất, nhưng nó làm cho người đọc được dự phần vào, được tùy nghi, được “giải lao”… Còn với Nhã Thuyên, cái khoảng trống đó có vẻ ít ỏi. Trò chơi ngôn ngữ với tâm thức hậu hiện đại trong tập truyện này cũng được “bày bố” khá nhiều, khiến trang văn chưa đạt tới độ tự nhiên, với một vẻ “ung dung tự thích” mà tác giả có ý thức hướng tới.

Với hai tập truyện ngắn và một bản thảo thơ (chưa in), Nhã Thuyên là một tác giả trẻ vẫn đang trên đường, đang viết. Với những gì thể hiện ở tập truyện ngắn này, Nhã Thuyên đã tạo dựng nên một phong cách viết mới, cùng với các cây bút trẻ khác, tạo nên một thế hệ viết mới. Và, có lẽ từ đây cũng hình thành một thế hệ độc giả mới.

Trần Nhã Thụy

Làng Mai – Sài Gòn XII.2010

(Lời bạt tập truyện Ngón tay út)

One comment

Leave a comment