bất\ \tuẫn: những hiện diện [tự-] vắng trong thơ Việt

dành tặng những trò chuyện trong cát & bụi,

những đồng hành dẻo dai, những nín lặng ôm mang & những kết thúc cần đến

 

thế rồi, cuối cùng, tôi cũng quyết định đặt dấu kết thúc không kết thúc nổi cho một bản thảo. tôi không biết số phận tiếp theo của nó/của tôi sẽ là gì. tôi chỉ có thể bày nó ra thôi.  dưới đây, tôi đăng mấy sàm ngôn loạn chữ của người viết, và sẽ đăng bài đọc của tác giả Trần Ngọc Hiếu trong một entry sau. bản tiếng Anh của tập sách có thể sẽ ra trước bản tiếng Việt, hoặc tôi không biết lúc này, một cuốn sách như thế này, nếu được (tôi/ai đó) in ra trong tiếng Việt nữa (và có in ra làm gì không), tôi sẽ có những người bạn nào, những người trò chuyện nào ngồi lại với tôi, với tiếng Việt. nhưng dù sao, tôi cũng đã quá chừng tan vỡ, và có lẽ, có nghiền nát tôi thêm cũng chẳng còn tan vỡ thêm được dồi dào hơn nữa. tôi vẫn không bao giờ tin tưởng lạc quan việc mình làm. chỉ bởi tôi không/ chưa tránh được việc không làm gì thêm nữa. cả những cuốn sách, thế nào là một cuốn sách?

kẻ viết thì mong manh, muốn được mong manh, mà người đọc thì [có quyền] đòi kẻ viết mỗi lúc phải mạnh mẽ hơn nữa, dẻo dai chịu đựng hơn nữa, “khéo là mặt dạn mày dày”

dưới đây là mục lục:

 


***

“having the book as witness”, wrote a sage, “is having the entire universe vouch for us” / “có cuốn sách làm kẻ chứng”, kẻ hiền viết, “là có cả vũ trụ này chứng cho ta”, Edmond Jabès encouraged me, “saved by the saved books”. but what if i don’t trust in books as “books” anymore, what if all the real books perhaps are never saved by their readers, what if reading/writing a book is just an act of throwing it away…
and then forget
and vanish.

***

 

 

Từ tác giả

Nỗ lực trò chuyện luôn là nỗ lực thấu hiểu, nghĩa là không ngừng đối diện những hiểu lầm. Một nỗ lực lần dấu và kết nối. Một nỗ lực xoá và thêm những dấu hỏi. Một nỗ lực va chạm những kẻ ảo tưởng cùng, tranh luận cùng, hiểu cùng. Một nỗ lực dung nhận những kẻ khác ngoài và trong chính mình. Bởi thế, trò chuyện thơ trong tập sách này, khi hướng tới đối thoại đã đồng thời chấp nhận là một độc thoại. Tôi trúc trắc giữa các đại từ nhân xưng: lúc này tôi muốn xưng “tôi”, lúc khác tôi đã mong là “những tôi”.

Cho dù đứng tên tác giả, cuốn sách này không phải hoa trái của một dự án cá nhân, mà như mọi sự đọc, nó mong muốn là một đọc cùng. Qua bảy năm ròng, hay có lẽ lâu hơn, khởi đầu là luận văn cao học của tôi về nhóm Mở Miệng, sau đó là dự án Những tiếng nói ngầm, mà kết quả nền tảng là những tiểu luận (được sửa sang nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới 2017) làm nên cuốn sách này, tôi không biết làm thế nào gọi tên những kẻ lạ người quen, những tan vỡ những kết nối, những đến những đi đã cùng tôi.

Tôi đã háo hức nông nỗi thơ Việt và nỗ lực hiểu điều-đang-xảy-ra quanh mình, rồi suốt nhiều năm, như thể cứ mãi mắc kẹt trong điều-đã-qua-như-là-vẫn-đang-xảy-ra đó với những câu hỏi lửng. Tại sao những thi sĩ (Việt) này? Những kẻ phá hoại, những kẻ phản kháng, những kẻ ngoài lề, những kẻ vô xứ? Tại sao lại là những hiện diện chừng buộc phải [tự] vắng này? Ưa tịch mịch, tôi thấy mình gần hơn những nói lẻ, những chực nản lòng, những nín lặng, những mép vực, những bóng tối đặc hơn, thẳm, lặng hơn. Tôi, dẫu vậy, đã bị-được những cuồng nộ, những kêu đòi, những nhạo báng này đánh động. Hẳn nhiên, tranh đấu không cần phải là đặc sản Việt. Nhưng khả năng nín chịu với gia tài nước mắt của người Việt cũng không cần được nhân thêm mãi. Khi ngôn ngữ thơ ở trên mép vực của những lựa chọn sống còn, khi ngôn ngữ phải giãy giụa gào thét để làm đứt những dây trói, tự cho mình cơ hội bung mở, thì những hiện diện thơ này, với tôi, là những lựa chọn khó nhọc đáng kể. Tôi buộc mình ở lại lắng nghe những âm thanh nhọc nhằn ấy, và theo cách nào đó, nỗ lực dịch sang ngôn ngữ của một người đọc. Đó thậm chí không được là một lựa chọn: [những] tôi không tránh được những liên đới giữa mình và kẻ khác, không tránh được lắng nghe và mở lời, nếu tôi trông đợi mình là một hiện diện trong cộng đồng, nơi câu chuyện một (vài) cá nhân luôn (cần) là câu chuyện chung.

Nếu cần thông điệp từ trang viết, tôi nghĩ, nỗ lực làm hiện hữu những hiện diện thơ này, với tôi, đồng thời là một phản tư về tiếng Việt. Tôi không nghiêng về một tiếng Việt chỉ nói lời giận dữ, một tiếng Việt bốc hoả, một tiếng Việt gây kích động. Nhưng tôi nghe thấy đằng sau tất cả những kích động bạo lực từ những trang viết ngoài lề này câu chuyện của một tiếng Việt đang chịu đoạ đày, đang tự đoạ đày và nỗ lực sống sót. Và cũng có những điều ánh lên: một tiếng Việt nhẹ nhõm, bông lơn, thẩm thấu. Một tiếng Việt không khước từ va chạm, thay đổi trong khi nỗ lực bảo vệ cái đẹp và nuôi dưỡng những tiềm năng của nó. Một tiếng Việt không chịu bị dồn vào im lặng. Bởi thế, tôi không muốn bản dịch tiếng Anh của tập sách này chỉ như một giới thiệu mảng văn chương Việt không-chưa bao giờ xuất hiện trên các tạp chí nhà nước hay trong các chương trình ngoại giao văn học, hướng tới những “người nước ngoài” nào đó, mà tôi, giả định ảo tưởng về bình đẳng, muốn tiếng Việt và văn chương Việt va chạm và đối thoại với những tiếng khác, những văn chương khác. Tôi mù mịt phương hướng: Có gì thực sự khác nhau giữa người đọc và người viết, trong và ngoài, Việt và không – Việt? Tôi đã trông đợi những đâu? Đây. Kia. Trong gốc trong dịch. Liệu có thêm đôi khả năng cho những cú chạm-con người?

Mỗi người một hệ luỵ trong câu chuyện dường như chỉ thiết thân với số rất ít: Thơ và những khả thể thơ được sống trong ngôn ngữ của nó. Tại sao [những] tôi vẫn viết thơ và đọc thơ? Tại sao tiếng thơ cần được nghe, được hiểu? Liệu chữ nghĩa – thơ có thể can dự ít nhiều vào cách ta sống – thơ? Tại sao phải bày ra cái tôi viết và đọc? Tôi đọc thơ, tôi bày thơ ra, và thơ đọc tôi, thơ bày tôi ra. Sự đọc của tôi là một cách không dừng sự viết của tôi, dù dày vò xung đột và hiếm khi hoà hoãn. Nhưng, có thể đã xảy ra điều này: Bất chấp nỗ lực của những người đọc, nhiều người viết đã dừng viết và không hiện diện thêm nữa. Cũng vậy, bất chấp nỗ lực của những người viết, nhiều người đọc đã bỏ cuộc đọc. Tôi nhìn gương mặt vừa bi kịch vừa thản nhiên của thơ: Tại sao những tiếng nói đó không tiếp tục? Có phải những trang chữ đó lả dần? Nếu sự đọc chỉ là bạn đường vô vọng, thì tại sao những cuốn sách như thế này vẫn đòi ra đời?  

Liều lĩnh ngây thơ, tôi dồi lên dập xuống chính tôi, đi lên đi xuống địa ngục của những câu chuyện mà mỗi xới lên mỗi hoang mang. Có những đợi tôi thất bại, có những đợi tôi đứng lên, có những mong tôi sống sót. Tôi trả lời bằng nói năng, bằng im lặng, bằng đổ sập, bằng gắng gượng, bằng vui chơi, và bằng viết. Có những câu chuyện đòi nằm yên đó dưỡng thương, chờ hiện diện của đồng cảm. Có những câu chuyện ráng cất lời. Có những câu chuyện đã mất hết cuồng nhiệt ngây thơ và được thêm nhiều tổn thương nhẫn nại.

Tôi cũng ghi nhớ riêng mình những tan vỡ khó tránh, những điểm cực tranh luận dẫn tới sự nhận ra không thể khác, sự không thể hoà hoãn. Một lần nữa, tôi muốn thử thách mình, trải nghiệm lại những xây xước, những nghe hiểu non nớt, chấp nhận, đón nhận những gì đã, đang đến và bớt dần sợ hãi, để tặng mình một cơ hội kết thúc, nghĩa là một cơ hội bắt đầu lại, một cơ hội bỏ lại và chuyển dịch.

Tôi đã không ngừng nghi ngờ sự cần thiết của việc mình làm, cũng như không dám tin các trang viết của mình có được chút gì đáng giá. Nhưng dẫu sao, tôi cũng đã viết điều tôi sẽ không còn có thể viết bây giờ, điều tôi sẽ không còn có thể viết lại, và biết đâu, tôi sẽ gặp được, thấy được những lì lợm chưa bỏ cuộc của viết, đọc đây đó.

Tôi biết điều không trở lại nhưng không biết điều sẽ đến. Có những cái lẽ ra: phải ở ngoài kia để hiểu đây, phải ở trục không gian khác để hiểu cái bây giờ. Nhưng cũng còn đó bạn đường của sự hiểu: chịu đựng, nán lại, mở lòng. Để hàn gắn và hiện diện. Cuối cùng, để được bước ra, chậm rãi, khó nhọc, trầy xước. Và thôi muốn ngoái lại, bởi cái bóng của Orpheus ở đó.

Nhưng nếu không ngoái lại, cả xác tín về ảo ảnh cũng tan, và làm sao tôi biết mình đã vỡ đến độ nào?

Tháng Hai, 2018

N.T.

Mua sách: Email nhathuyenaz@gmail.com

3 comments

  1. […] Việt, khi các phiên bản đầu tiên của các tiểu luận và video ngắn về Mở Miệng xuất bản trên Damau, tôi tưởng vậy là cũng tạm xong một sự đọc, chỉ cần thư thả sửa sang […]

    Like

Leave a comment