(nằm vẽ nhảm trên bãi cỏ lúc nghe jonathan franzen nói chuyện về chim và cách thức để không upset về môi trường là khỏi nghĩ về nó nữa. yên san cũng nằm dài gối đầu lên mình, ghếch chân chơi với Shin. mình muốn làm một người viết không bao giờ phải đi nói chuyện.)
Thứ Năm, viết cho (post) Thứ Sáu, 6/06/2019
Wannsee bình lặng hồ. chuyến bay đến trễ, và thất lạc hành lý, lại đợi train cả tiếng để bắt chuyến 1.44 AM và tới nơi đã là 3 AM. đến vào cuối tuần, Yên San và tôi suốt 2 ngày không thấy một bóng người ở khu cư trú, tự ra tự vào lặng lẽ theo mã số qua các cửa, nằm nghe quạ kêu và ngắm mặt trời xuống nhòa mặt nước lúc 10 PM, đến nỗi cậu bé tưởng tượng cả khu nhà điều hành bằng robot, đến cả vòi phun nước tưới cỏ cây vẫn chạy mà không thấy ai xuất hiện và đến thứ Hai, khi mọi người đi làm, cậu bé say hallo với tất cả những ai cậu gặp (thèm tiếng người?), và thốt lên, “cuối cùng cũng thấy có người!”. sống lâu ở Hà nội, nơi tai gần như không bao giờ nghe được các âm thanh riêng rẽ mà luôn là một hợp âm nháo nhào loạn lạc, sự yên tĩnh nơi này có thể đôi khi làm phát hoảng. hẳn nhiên tôi có thể hình dung, Wannsee quanh hồ này là khu nhà giàu, đám ngỗng giời bơi lội tung tăng và những du thuyền nhấp nhô trong nắng. tôi giật mình khi chị bán hàng minimart cạnh nhà nói tiếng Việt, giọng ngọng nghịu lơ lớ, chị cũng giật mình khi nghe tiếng Việt, chị quê gốc Hải Dương và còn bố mẹ ở Bạch Mai. làm đồng hương, tôi được chị giảm cho hẳn một đồng.
((())))
5 ngày sau, Aeroflot mới chuyển hành lý thất lạc qua.
(((())))
tôi đã muốn 20 tiếng mỗi ngày ngồi yên với sách và chữ nghĩa. hẳn nhiên, có những người để gặp, có những quảng trường, những bảo tàng, quán cafe, tiệm sách để đi, có những việc phải làm, nhưng được ngồi phăng phắc không nói năng là một đặc quyền, một cơ may càng lúc càng hiếm hoi, nhất là khi ở hà nội, tôi thường trực cảm giác thời gian bị nuốt đi vội vàng mà tôi không còn cơ hội được thưởng thức chậm rãi điều gì, không còn nữa sự thanh thản tuyệt đối. tôi chỉ còn một lượng ngày rất nhỏ tiệm cận dead-line tôi tự đặt cho mình. sau đó phải là sự bình yên thực sự (bình yên thì làm sao giả tạo và giả tạm được) trong thấu hiểu và đón nhận, hoặc tôi sẽ phải rời đi và lựa chọn một kết thúc cho mình, dù khi phải lựa chọn, nghĩa là nghiệt ngã. Tôi nán lại vì tôi không tin vào việc phải-lựa-chọn hoặc giải quyết vấn đề. nhưng tôi đã đủ những trầm tư về mất mát, đã đủ những tan tác. tôi muốn nghĩ về những gì tôi còn có lại được, và khả thể sống hồn nhiên, chảy trôi, tự tại, bình yên, dù còn đó những khó nhọc. tôi không cho phép mình thêm thời gian mắc kẹt bùng nhùng. tôi nán lại đợi một người đi cùng thêm chút nữa, nhưng rồi ai cũng sẽ phải tự đối mặt với những câu hỏi không ai khác can dự vào được, cho dù quyết định của người này có thể sẽ kéo theo quyết định của kẻ kia. nhưng tôi kiên định cho mình một dead-line, không giãi bày thêm nữa, không đòi hỏi thêm nữa, tôi chỉ có thể làm hết sức những gì tôi tin và cảm nhận phải làm, cũng như việc dành cả ngày cho một dấu phảy và dấu chấm, những điều nhỏ bé như thế.
(((())))
chuyện viết và đọc: mọi sự mới chỉ là bắt đầu, một bắt đầu khác nữa, một 15 năm khác nữa. viết trở lại, đọc chậm trở lại, nhìn ngắm, nghe hiểu trở lại. thế giới quá ồn và tôi may mắn đôi khi được dạt tới một góc nhỏ để ngồi không. viết như chẳng phải là chuyện buộc phải viết. đọc như thể chẳng phải là chuyện buộc phải đọc. để nhận ra bao năm lao lực đọc viết và nghĩ có thể làm nhiều thứ hay ho tốt lành cho mình và cho mọi người có thể chỉ là chuyện hão huyền, nhưng những ý nghĩ đó chỉ làm tôi hư không thêm, nghĩa là nó không làm đau tôi thêm được nữa. những gì chưa được hiểu, được nhìn sẽ được hiểu, được nhìn. sâu xa, tôi luôn thầm mong mình không được-bị nhìn thấy và chạm vào. như thế, tôi tự do hơn. dẫu thế nào, viết, đã không còn là điều tôi có thể chọn. (sắp) ra khỏi hầm, tôi đã tuyệt đường lui, có thể cho tới khi gặp một đường hầm khác.
(((())))
để trở thành mình, tôi đã nương dựa vào ngàn kẻ khác. tôi đã mời người bước vào thật sâu để làm họ loay hoay bước theo tôi trong đường hầm- tôi. sao lại “cần tự do”, để được tự do trở thành chính mình, như thể không phải nó ở trong chính mình hay sao? tôi cần người và tôi cần được là (không-)tôi, tôi cần làm đầy và cần trống rỗng cô độc. mỗi lời nói là một nhọc nhằn, nhúc nhắc. người cần được là người và tôi cần được trở thành tôi trên hành trình tới chốn không-tôi. đó là sự muốn tôi muốn, là sự đi tôi phải đi, không cách nào biện hộ hay giải thích, chỉ còn những nhích chậm.
(((())))
tôi đã chọn ở lại (lựa chọn nào không tàn nhẫn?), để hiểu và yêu một tình yêu. nhưng làm thế nào để hiểu, nếu tôi không còn nghe ra ngôn ngữ của yêu thương.
(((())))
không, tôi không còn cần chia sẻ, giãi bày về việc viết gì, làm gì để sống (và/mà viết). tôi không sống để “lấy tư liệu” cho viết. tôi không mặn mà việc phải xuất hiện và nói ra. tôi không còn hối mình phải “viết xong cuốn sách” vì những mời mọc xuất bản. chẳng còn gì để tôi phải vội. tôi không dám chắc có người còn chờ mình nữa, để mình phải vội. không phải tôi tuyệt diệt sân si, và luyện công làm chủ cảm xúc là điều không tưởng, nhưng có thể chẳng còn gì để tôi phải quá vội vàng thêm nữa. tôi ngồi yên nhìn cậu bé lớn lên và để tôi được già đi, mong chờ đến lúc được thực sự làm một người già, bất động. có lẽ, đến lúc, tôi sẽ hiểu được những người già (những người tôi luôn muốn hiểu mà sợ phải hiểu, sợ phải thấy mình mất bình tĩnh khi cố gắng hiểu họ, gần họ, nghe họ.)
(((())))
những người (Việt) lẻ loi, những người đứng riêng rẽ, đày mình trong câm lặng, li tán, loạn lạc, tự hoại, tự buông rơi, ngủ không dậy nữa.
nếu tôi buông rơi, như giấc mơ cũ, tôi sẽ chọn một mỏm đá núi ở vùng biển vắng.
(((())))
thế mà giờ lại phải ngủ dậy sau một ngày muốn chết chìm, ăn sáng, đọc sách, gặp gỡ làm việc, dạo chơi.