bất \ \ tuẫn

Sat, 8 June 19

về phòng, thùng sách đứng đợi ở cửa. cuối cùng thì tôi cũng phải nhìn, nhận, mời vào.

20190608_103121

hình ảnh: nhờ Yên San vẽ cảnh thùng sách đợi ở cửa phòng

20190608_063335.jpg

điều tôi vui nhất về cuốn sách: được dùng tranh của họa sĩ – thơ Trần Trung Tín làm bìa.

((((   )))))

bằng năm bằng tháng, tôi nghĩ về việc ứng xử – lý thế nào với bản thảo cuốn sách này, cả bản tiếng Việt và tiếng Anh. tôi nghĩ, định quên đi điều đã nghĩ, định không bao giờ dài dòng nhớ lại.

cuối 2011, xong các tiểu luận tiếng Việt, khi các phiên bản đầu tiên của các tiểu luận và video ngắn về Mở Miệng xuất bản trên Damau, tôi tưởng vậy là cũng tạm xong một sự đọc, chỉ cần thư thả sửa sang bản thảo sách, tôi nghĩ sắp xếp thời gian đi (bộ) dọc đất nước ghi âm giọng các thi sĩ đọc thơ, trò chuyện, làm kênh radio, nghịch ảnh, nghịch âm. bạn bè bắt đầu dịch sang tiếng Anh, những bài học vỡ lòng dịch.

2012, tôi về khoa Văn, kịp dạy một chuyên đề, “sự nghiệp” dạy học của tôi chưa kịp bắt đầu đã (có lẽ) mãi mãi dừng lại, khi đang chấm bài cuối kỳ của sinh viên. 24 tuổi, có lẽ quá trẻ (người non dạ) để kịp hiểu đó thực sự là cơn bão [mở miệng về những gì người khác mở miệng] và thực sự nó đang táp vào mặt mình.

2014, bão dai dẳng, ồn ào, sấp ngửa bồn chồn, có lúc tôi nóng ruột muốn hoàn thành bản dịch tiếng Anh, vì như bạn bè khuyên, để xuất bản nó, như một cách để nó được hiện diện và tự vệ. (không) may mà, tôi đuối sức, việc dịch mấy tiểu luận này đâu phải chuyện một sớm chiều. vì thế mà nhiều năm sau, tôi còn được sửa sang chữ nghĩa.

2015, 2016, 2017, 2018, mỗi lúc có sức, tôi lại lôi bản thảo ra dày vò. đến đầu 2018 thì thấy có thể viết vài lời để kết thúc nó.

đầu 2019, coi như hoàn thành cả bản tiếng Việt tiếng Anh cùng lúc. tôi kiệt, tôi có những sấp ngửa lo toan khác, tất cả những gì tôi muốn là một sự kết thúc, cách nào cũng được, miễn là kết thúc. hoàn toàn, hoặc để bắt đầu lại và move on. tôi không cho phép mình có một lựa chọn thứ 2 thứ 3 của chần chừ nán lại nữa. đã quá trì, trệ, đứ, đừ, vụn, vỡ.

(((( ))))

tôi chưa biết có người viết nào muốn sách của mình ra đời trước hết trong một ngôn ngữ dịch. họ hỏi tôi làm để nói chuyện với ai, tôi muốn nói, hẳn trước hết là cộng đồng [ảo tưởng] người viết người đọc tiếng Việt, và tôi nghĩ tới cơ may gặp những người đọc ở những nơi đâu kia, trong tiếng khác.

tôi cứng cổ cứng đầu chuyện tiếng Việt và “người Việt”, “nước Việt”, một tình yêu nghiệt. có yêu nào không nghiệt, nhưng nhất định không chọn, không cần nghiệt để mà yêu.

nhưng tiếng Việt đã đốn ngã tôi, tới mức, gần như suốt 3 năm ròng sau chuyện mở miệng, tôi không thể đọc sách tiếng Việt, không thể nói năng bình thường trong đời sống bằng tiếng Việt, không thể – thậm chí – viết status FB bằng tiếng Việt. không phải vì tôi chỉ đang nói chuyện với người ngoài (cả đời tôi chắc chỉ còn biết lảm nhảm độc thoại), không phải vì tôi không muốn nói hay viết tiếng Việt (bao lần viết status tiếng Việt xong phải xóa đi). mà có lẽ bởi, hiện diện của nó làm tôi tan nát, cách người ta dày vò tiếng Việt làm tôi hoang tàn. không may, có lẽ quá yêu đời, tôi đẩy mình sống tiếp, mệt đừ, tôi nương dựa vào một ngôn ngữ khác để dịch lại mình. nếu không yêu đời, tôi đã dứt tình tiếng Việt.

tôi [ngẫu nhiên, ép buộc] đọc tiếng Việt trở lại, dịch, phải dịch chính mình, dịch người viết tiếng Việt khác, tự đâm đầu vào đá lần nữa, tảng đá đó là chính mình. không biết bao lần tôi muốn vứt hết, không biết bao lần tôi phản ứng với các dịch giả-bạn bè, cách này cách khác, tôi kiệt quệ khi cứ phải ngồi đọc lại chính mình, nhai mình, nuốt mình, thải loại mình.

nhưng, lại Kiều, “mình làm mình chịu” “mình yêu mình chịu.” tôi muốn không bất cứ ai ngoài tôi liên đới tới những quyết định lựa chọn của mình. tôi [đã] tin vào sự vô điều kiện và vô vụ lợi của chính mình khi đọc và viết văn chương, đến nỗi không biết đã gây ra bao hệ lụy cho người khác, những người đã trót đọc tôi, tin tôi. nhưng tôi vẫn muốn cứng đầu như thế: tôi không tự biện hộ được cho cuộc đời mình ngoài việc sống nó.

((((   )))))

trong tâm bão, tôi ảo tưởng mình chịu được gió táp, không lường hết những kinh nghiệm cảm giác hậu-bão tố, những con mắt trần trụi chết chóc trên da, luôn mới, dù đã thôi ngoác, dù tôi lúc này đã đủ bình tâm để không cần chọn cách không nói về nó [đi đường hẹp, lấp đầy thời gian bằng những việc mình muốn làm, cần làm, chống đối lại chính mình để không nghĩ về nó, viết, làm sách…], lúc này tôi đã có thể nghĩ lại về nó.

không phải để tưởng thưởng quá khứ, sự kết thúc hay tự mừng mình sót lại, tôi nghĩ về nó vì tôi biết tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về nó, một mình mình biết, để nó ở yên trong dạ mà tự hiểu, tự lớn lên, tôi tiếc đã đôi lúc phải nói ra, tôi hơi tiếc đã không phăng phắc lầm lỳ tàu điện mà đi như tôi muốn.

cuốn sách này ra đời không phải một phần thưởng, không từng dám hứa hẹn, tôi chưa từng đợi bất cứ một tưởng thưởng nào, dù văn chương hay quan hệ con người, tôi giằng co bản năng và lý trí, ham làm, và ham phá bỏ những điều mình làm, chỉ ráng nhích từng bước với điều mình bận tâm, một giây, một ngày, một tháng hay một năm.

không, đừng mơ một kết thúc gọn ghẽ, dễ dàng, “đòm phát xong” (ref: nguyễn huy thiệp), nhất là với kẻ “đứng không yên ổn ngồi không vững vàng,” vừa đi vừa ngoái vừa muốn giữ cân bằng, không tin bi kịch lẫn chính kịch.

((((   )))))

một kết thúc cần đến, dù tôi không ưa dấu chấm.

tôi đã dốc sức để kết thúc nó, nhưng rồi, nó tự chọn điểm kết. nó không cần ra đời để bảo vệ tôi, chứng minh tôi sai hay đúng, nông hay sâu, vô đạo hay hữu đạo, lạc đường hay đúng hướng, chứng minh tôi đã từng mang nặng đẻ đau. lực đẩy của cuộc sống, sự tự nhiên trôi chảy mạnh hơn mọi ý chí và tầm mắt của con người, thường hạn hẹp, bốc đồng, đòi kiểm soát, nắn chảy, buông rơi, tự hoại,…

nó dạy tôi bài học lớn: hãy để yên, nuôi nấng, khiêm nhường, nhìn nhận mọi thứ vận động, đi hết vòng, khi đó, không cần phải cố gắng kết thúc nữa. đầy năm đầy tháng, nó ra đời, quả chín tự rụng, để làm một hiện diện, tự nó. nó được đón nhận hay bị phản biện, tôi cũng chỉ có thể đứng nhìn.

(((( ))))

tôi, một lần nữa, vỡ lòng tiếng Việt.


nếu bạn đã đọc đến những dòng này, đây là điều tôi đang cần phản hồi từ bạn:

# bản tiếng Anh tôi đã xong phận sự. tôi không định nói gì về nó, để mặc nó tự bơi, mặc người khác nhìn nhận nó. thế giới xuất bản và văn chương tiếng Anh rất nghiệt, tôi vừa bắt đầu đã luôn nhắc mình giữ khoảng cách, vì rút cục, mối bận tâm của tôi là viết, và những gì tôi bận tâm rất ít liên quan tới câu chuyện “chuyên nghiệp”. tôi không bao giờ là một người viết chuyên nghiệp.

nhưng một email mới nhận được từ một trong những người đầu tiên tôi gửi tặng, NQC, làm tôi nghĩ ngợi thêm, “Lẽ ra nó phải được hiện ra trong một cuốn đẹp bằng tiếng việt như vậy.” “Còn nhìn bản tiếng anh, tưởng tượng trong một đại ngàn sách tiếng anh, chúng ta như những đứa lạc loài xa lạ, thấy thương sót cho nó thôi. … Cầm cuốn sách, thấy cả một hành trình chữ nghĩa, gợi tưởng về quá khứ, cảm động.”  NQC tặng kèm tôi một cái nhan đề tiếng Việt dịch từ tiếng Anh, đặc sệt NQC, và chạm vào lõi “những bộ dạng tự hoại”: “không tử đạo: những bộ dạng tự hoại trong thơ việt nam’.  nhan đề của tôi, “bất \ \ tuẫn: những hiện diện tự vắng trong thơ Việt”. những lời nho nhỏ đó làm tôi thở hắt ra, bởi như thế, dù đã phải ra đời trước bằng tiếng Anh, nó đã chạm được vào mối quan tâm của những người viết người đọc Việt đây – kia.

các bạn có thể mua sách tiếng Anh qua kênh phân phối của nhà xuất bản hoặc amazon, tôi cũng để dư chừng 50 cuốn ở Việt Nam nếu các bạn quan tâm ( Email nhathuyenaz@gmail.com)

# bản tiếng Việt, tôi đã sửa xong những chấm, phẩy, i ngắn y dài cuối cùng, chỉ còn đợi ngày nó được (tôi) cho ra đời (quote ý Bùi Chát xưa). tôi muốn hỏi ý kiến những người ghé qua cái blog hẻo lánh này, về sự cần/không cần hiện diện bản tiếng Việt của nó/của tôi, để quyết định cách thức nó (không) ra đời. tôi dự định tự xuất bản, vì hiện tại chưa có tín hiệu khả quan về cách xuất bản khác hay hơn,

* email tôi (nhathuyenaz@gmail.com) nếu bạn muốn: tôi tự in bản tiếng Việt – bạn muốn đặt mua – số lượng copies.

*thư thả, tôi sẽ làm ebook hoặc đăng tải bản pdf free.

vậy là tôi có thể đặt dấu chấm cho một đoạn đường tôi. tôi ngồi im đợi.




vài trích đoạn: 🙂

đây là đoạn duy nhất tôi thêm vào cho bản tiếng Việt, ở phần ghi nhận:

Cuối cùng, của những không cùng, dành riêng cho bản tiếng Việt này: bởi cuộc sống chảy trôi khó đoán và cuốn phăng cả mong muốn lẫn ý chí của tôi về những tồn tại song hành, bản tiếng Anh của tập sách này đã ra đời trước (tháng Tư 2019, RoofBooks). Năm xưa, khi bắt đầu, một kẻ viết tiếng Việt đã đặt mình nơi đây, giữa những người bạn viết, bạn đọc cùng thời; bây giờ, khi soát lại lần cuối bản thảo mà bản tiếng Anh đã phần nào làm tôi nhìn rõ hơn hiện diện tiếng Việt của nó, hay của tôi, một lần nữa, tôi lo âu mở lời trong tiếng mẹ, nơi đây, giữa những người bạn viết, bạn đọc như thể đã-đang ở mãi đâu kia.

####

Nếu cần có một thông điệp từ trang viết, tôi nghĩ, nỗ lực viết lại hiện hữu những hiện diện [tự-] vắng này, với tôi, đồng thời là một phản tư về tiếng Việt. Tôi không nghiêng về một tiếng Việt chỉ trút lời giận dữ, một tiếng Việt bốc hỏa, một tiếng Việt gây kích động. Nhưng đằng sau tất cả những kích động bạo lực từ các trang viết ngoài lề này, tôi nghe thấy câu chuyện của một tiếng Việt đang chịu đọa đày, đang tự đọa đày và nỗ lực sống sót. Và cũng có những điều ánh lên: một tiếng Việt nhẹ nhõm, bông lơn, thẩm thấu. Một tiếng Việt không khước từ va chạm, thay đổi trong khi nỗ lực bảo vệ cái đẹp và nuôi dưỡng những tiềm năng của nó. Một tiếng Việt không chịu bị dồn vào câm lặng. Bởi thế, tôi không muốn bản dịch tiếng Anh của tập sách này chỉ như một giới thiệu mảng văn chương Việt không-chưa bao giờ xuất hiện trên các tạp chí nhà nước hay trong các chương trình ngoại giao văn học, hướng tới những “người nước ngoài” nào đó, mà tôi, giả định ảo tưởng về bình đẳng, muốn tiếng Việt và văn chương Việt va chạm và đối thoại những tiếng khác, những văn chương khác. Tôi mù mịt phương hướng: có gì thực sự khác nhau giữa người đọc và người viết, trong và ngoài, Việt và không-Việt? Tôi đã trông đợi những đâu? Đây. Kia. Trong gốc trong dịch. Liệu có thêm đôi khả năng cho những cú chạm-người?

###

Và bất cứ khi nào chạm đến những cấm kỵ thì câu hỏi về tự do nghệ thuật lại hiện ra: có giới hạn nào cho tự do này không? Có phải chính ta cần xoá dần giới hạn của những cấm kỵ nằm sẵn trong mình?

###

Sự từ chối trong nghệ thuật hiện thân một phẩm tính, nhất là khi quá khứ trở nên bất tín và bề bộn, khi hiện tại cũng xáo trộn và nóng bỏng. Và do đó, cả khi ảo tưởng về đột phá, thay máu và những mơ mộng lập thuyết vỡ vụn, cả khi những đổi thay này dẫn tới những ì ạch khác, nhưng chắc chắn, sự từ chối đã mở ra những giấc mơ quan trọng, những lối nghĩ đáng kể. Bản thân sự bất tuân tự mang nghĩa, dường như không cần tới những phát ngôn biện hộ hay diễn giải.

lời bạt của Hải Ngọc – Trần Ngọc Hiếu

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s