Bài thơ trưng ra một vựng tập mất mát, chỉ còn hiện hữu bằng sự nhớ lại, khắc ghi, sắp xếp trong ngôn từ. Cái mất không có lại được, chỉ có con người trong những thê lương thê thảm thê thiết của mình buộc phải chọn lựa một ứng xử. Elizabeth Bishop chọn việc xử lý chính ứng xử của mình như xử lý một bản thảo: “master” nó, đau, đớn, nghịch, lý, dày, vò, rèn, luyện, chắt, lọc, và giữ lại. Bishop, với bài thơ này, đã tự bày ra một tiến trình sửa sang.biên tập.mài.giũa.thuần thục qua 17 bản nháp để nén và lọc đi những sống.sượng.đau.thương để còn lại một bài thơ tiết chế đến thắt ruột. Xem đó như “art of losing”, xem “mất” là một kiểu “nghệ thuật” cần ( chủ ý) thực hành thuần thục là một cách chống đỡ, với tôi, quá nghiệt ngã. Tôi vẫn chưa tự xử lý được cảm xúc mất tự chủ khi đọc bài thơ này, cũng không dám nghĩ có thể chuyển dịch nó và làm sống được trong tiếng Việt.
7 năm trước, tôi gặp bài thơ lần đầu trong một thảo luận thơ Mỹ online. Tôi kháng cự việc đọc nó và bỏ lại.
Đêm qua, tìm quần áo mặc, (nhiều năm không từng mua thêm một chiếc gì mới lol), tôi chép lên cái áo phông bị đổ cafe.
Lịch sử của bài thơ thì đọc ở đây một chút.
Có sống được bao ngày mà phải biện hộ cho sự mỗi ngày gắng sống.sót địa cầu. Chỉ có thắt vào, khi đã giãi ra đến mỏng như một cánh chuồn.
Nhiều ngày về tới nhà là muốn nằm không làm gì, máy tính không mở, tập viết trên điện thoại, đỡ một cảm giác cồng kềnh.