Bà lần hầm

23-24 June 2020 

Bà lần hầm

(& cũng hầm lần bà, lần hầm bà, lần bà hầm…)

Tiếp chuyện Hầm bà lần 7 năm xưa.

Nói lại để nói đi: tôi không có ý nói lại, giải thích, giãi bày, biện hộ trước đông người, lại là khi chưa từng có mấy dịp được nói đi & nhất là trên FB, vốn là nơi tôi chủ trương, chủ ý, chủ tình, & chủ quyền nói nhảm và chơi đùa với trẻ con. Nhưng tâm tính đang không ôn hòa nên xin mượn chuyện FB đáp lời. 

Bạn hỏi han và “không biết có chuyện gì người ta khơi lại vụ Nhã Thuyên”, rồi cô giáo tôi nhắc “NT ơi, nhân dân nhớ” từ post trên FB Uông Triều, rồi bạn nhắn đùa Nhã Thuyên lại chói sáng, vì tại “Hội thảo khoa học Văn học Nghệ thuật Việt Nam – 45 năm thống nhất đất nước do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tổ chức vào ngày 22-6 tại TPHCM ” (chép tên hội thảo từ tin nhắn bạn), người ta có lấy lại chuyện Nhã Thuyên như là để chứng công việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” – tôi đồ chừng hẳn cái hội thảo này (cũng như hàng loạt các hội thảo kiểm thảo hồi năm 2013, 14 nhắc tới tôi làm ví dụ) là căn duyên mấy hỏi han nhắc nhỏm kia chăng? Tôi đã hỏi, nghe thế, thì người ta muốn phản ứng gì? Và tôi có thể muốn đáp lại gì?

Câu chuyện này, tôi đã chỉ nhất định đáp đi (và không đáp trả) bằng việc làm, bằng hãn hữu lời và bằng sách. Tập sách từ dự án lê lết này cũng đã ch/vào đời: bản tiếng Anh với NXB Roofbooks, USA tháng Tư 2019 và bản tiếng Việt bất\ \tuẫn, ra sau bản tiếng Anh, do bản thân tự yêu cầu mình in một ít cuốn cuối năm 2019 đầu 2020, với một phần hỗ trợ tài chính của viện Goethe Hà Nội, nhằm khép lại một đoạn đường học- đọc-viết tiếng Việt của riêng mình. Tôi đã chọn dung nhận và gắng hiểu những tồn tại khác, bằng nói, làm, viết. Có quá kỳ vọng không nếu tôi mong vài ba trao đổi bình tĩnh và không nhân danh, vài ba đọc cùng (trong tiếng Việt, ý tôi, vì “nói tiếng Anh” là một chuyện khác)?

((((()))))))

Tôi không đóng được vai nạn nhân ưu tú, cũng chưa từng có ý giơ tay nhận quà khuyến mại nếu có của “đặc quyền hoạn nạn”, (như phần nào đã trả lời phỏng vấn của Phùng Nguyễn năm 2015), càng không chờ đợi tưởng thưởng hay hoan nghênh. Lựa chọn phi lựa chọn, lựa chọn mù lòa bước đi không có nghĩa không biết mình đã và đang làm gì và đã-đang tự thân chất vấn, thay đổi và điều chỉnh thế nào. 

Điều tôi không chọn, điều tôi chất vấn, điều tôi nhất định không chọn, cho tới thời điểm này, sau khi đã lặn lội đủ tháng năm để hiểu – bỏ qua, chọn lối khác, kháng cự, ở lại, đối mặt, và rồi sẽ im lặng – là bạo lực. Tôi đã muốn/luôn chất vấn tính chất bạo lực và đực tính của ngôn ngữ và hành vi phản kháng của các hiện tượng thơ tôi nghiên cứu, nhất là khi những giọng thơ đó chứa lực cuốn của các ý tưởng cách mạng. Vụ luận văn Nhã Thuyên đến nay với tôi vẫn là một câu chuyện dài về bạo lực và những hệ lụy dai dẳng, trong một bầu khí càng lúc càng nghiệt ngã và ngạt thở cho những nỗ lực đối thoại. Tôi quan tâm, ủng hộ các ý tưởng hướng tới những tồn tại dạng số nhiều và khả năng cùng cất tiếng, tôi mong thế gian đủ rộng cho tất cả, tôi về phía và cùng với những kẻ chông chênh bị chèn sự sống, nhưng trước các nỗ lực phản biện, phản kháng và cất tiếng, tôi vẫn không dừng được các chất vấn trúc trắc lưỡng nan về cách thức, dù là (nhất là) dùng bạo lực để đáp lại bạo lực. Tôi cũng đang hiểu: sự im lặng và tự đày mình trong im lặng của tôi cũng là một áp chế tâm lý tự mang. Tôi lì. 

Lảm nhảm một mình, tôi chọn giọng lẻ, thanh bằng, nốt trầm. Tôi đã bỏ qua nỗi sợ lố bịch mà nói nhảm điều tôi nương dựa: yêu thương. Tôi vẫn chưa hiểu yêu là gì, chỉ trừ việc nó không thể là bạo lực. Tôi hiểu bạo lực có thể là bất cứ thứ gì, chỉ trừ là yêu trong góc nhìn của tôi. Tôi vẫn lì. Nhưng tôi không muốn mang mặt lầm lì và tôi không phải quá sức lì đòn khi đã đủ vô vọng. Tôi chuyển mình dần để đến được sự im vắng nhẹ nhõm, kể cả khi lời tôi chỉ còn là độc ngữ vô ích. Ai đo đếm được (đo đếm cái gì cơ?)?  

(((()))))

Đi đâu? 

Đi là thế đó ở là thế thôi. (BG) 

Tôi ở lại hầm, dù người ta nói tôi kẻ bỏ đi, rũ áo. Tôi bỏ đi học hành công việc, tôi bỏ đi cả những hồ hởi của ai ai khi mới bước vào chuyện văn chương báo chí, tôi bỏ đi bao tan vỡ, tôi bỏ đi bao điều tôi không muốn nghe thêm… Giữ lại, ở lại với điều gì? Giữ lại vài người tin yêu và mong trong phơi bày, các đời sống gần nhau sẽ mở ra cùng nhau được. Giữ lại mối tình vỡ (lòng) với tiếng Việt mãi không qua bài một. Thận trọng chạm áo bắt chuyện vài người trẻ người non dạ còn chịu chơi với tôi. Chăm chút đôi mắt trẻ. Tôi nghĩ mình đã chọn nẻo khó: ở lại với Hà Nội, để hiểu lại, một lần nữa, những gì đã-đang xảy ra, với tôi và với người, với tiếng Việt. Tôi đã nói ở lại là ở lại. Tôi xóa tôi bao lần để ở lại. Có những điều nói một lần là đủ. Có những điều, tôi nói nhiều lần, là vì còn chút hi vọng ở nhẫn nại, bình tâm, dung nhận, mình được tin và mình tin được. Tôi còn phải giãi bày, khẳng định gì được nữa? Cả đời sống tôi bóc trần những năm qua còn không đủ là một cam kết của chính tôi hay sao? 

“Không đủ”. Ai đó đập búa đanh thép.

Đôi lần dỗi dằn, tôi nghĩ người ta hẳn muốn thấy tôi phải tỏ ra thật tận cùng lao đao khốn đốn. Tôi từng tự tin hơn: nếu còn một người tin tôi, hiểu tôi đang làm gì, tôi sẽ ở lại cùng họ. Tôi không muốn môi mép hứa hẹn trong đời sống bất trắc này. Tôi dám đón nhận các kết nối chân thành chứ đâu phải kẻ vơ bèo vợt tép bạ gì cũng nhận. Tôi đọc đâu đó (Nguyễn Quốc Trụ?) nói một người viết sống (sót) được (Bắc Kít) là chuyện khó. Tôi nghĩ hẳn y muốn nói: sống sót địa cầu này. Sống được chẳng phải chuyện gì giỏi giang. Tôi đi đâu nữa không hay chỉ hoài công tự hủy, đến khi chính tôi không còn nhìn được mặt tôi trong gương. Nhiều năm, mọi người cũng hỏi tôi có phải đã “lưu vong” xứ khác. Tôi vẫn lưu vong Hà nội thôi, đi đây đi đó và muôn thuở xó nhà.

((((())))))

Nhớ và quên: vẫn tội nợ giãi bày. Vô vọng nói cạn được với một người, đành nói chốn không ai. Ai hiểu thế nào, xin nhận. Thưa ai đã yêu mến và còn bận tâm: 7 năm qua khi “cho xong” chuyện trường Đại học và chiếc luận văn chìm nổi, cuộc sống còn mở mắt tôi nhiều dúi dụi, chuyện luận văn hóa ra mới là mức thất đảo trung bình. Nhưng có ai mà không khốn đốn theo cách riêng? Tôi chỉ muốn ghim một câu hỏi ngược về chuyện (tu) nghề lẫn (chịu) nghiệp, và nếu muốn nghĩ to hơn, chuyện năng lực đươc-bị bỏ hoang, lãng phí công sức bao con người, ( bỏ qua các hão huyền nhãn mác nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả, etc. tôi không mảy may cần bám níu): (tôi) sẽ ra sao nếu tôi cứ tiếp tục được hiện diện “bình thường”? Tài năng có thể cạn, được lên được xuống có thể do trời. Nhưng hành xử thì có thể lựa chọn. Mấy năm qua tôi vẫn sống, ơn giời: tôi may mắn còn bán được năm tháng và sức lực cho vô số việc vụn và vẫn mong đến lúc dành dụm chút nhàn rỗi cho viết và đọc. Có người thấy tôi còn cafe, còn đi đây đứng đó, còn in sách này sách nọ, còn chơi với trẻ con, còn dịch a sang b dịch b sang a…. Tôi vẫn có cái vẻ một “full-time writer” (lol), thậm chí “salon” thong dong trong mắt nhiều người. Một cái search trên blog hẻo lánh này còn cho tôi biết có người đã từng hỏi “Nhã Thuyên giờ ra sao?” và thậm chí “còn sống không?”Ai đó bình luận, “cô ta tiếng Anh giỏi giang, lo gì không kiếm sống được”, ai đó nói hẳn vào mặt tôi đùa thật “cứ để nó ngoài lề luôn đi”. Về mặt nào đó, tôi thành thực thấy mình may: tôi giữ được khoảng cách cần thiết để sớm thôi nỗi hăm hở liều lĩnh vào cuộc, và cũng khỏi nhúng thêm vào những vũng lầy vũng lội của đời sống văn chương loanh quanh. Tôi nhớ từng chút những hàm ân, lời và hành động, cả khi tôi ngậm miệng chưa một lời đáp. Tôi quên nhiều những tàn bạo để giữ chút buồn cười vô tội vạ, đặng vượt qua cái hàng ngày cùng những đứa trẻ con còn được dịp vỡ vạc lớn lên. Tôi hàm ơn hiện diện của những đôi mắt trẻ thơ, và đây là lời nhắc hàng ngày: dù đời sống tôi có thê thảm tận đáy nào, thì những đứa trẻ lớn lên sẽ có một cuộc sống rộng rãi và tung tẩy (hơn), tôi ( và cả bọn trẻ con) sẽ cần hiểu và sống vì điều đó, có nghĩa là cần chuẩn bị cho thì hiện tại tiếp diễn ấy. 

(((((())))))

Sống được chẳng phải chuyện gì giỏi giang. Đừng thương tôi vội và lại tiếc công đã thương tôi (cạn icon). Tôi vẫn nghĩ, tình tôi và lao lực tôi dành cho văn chương hẳn không xót ruột bằng các bà các mẹ chăm hạt thóc chờ ngày thành lúa bỏ rẻ ngoài đồng. Chỉ bởi tôi còn chút tự ảo tưởng mình làm được điều này điều nọ tốt lành. Tôi không tiếc công, không thấy hoài của. Tôi cũng không cần hão huyền từ “cô độc”: cả khi không còn một đồng hành, thì vẫn phải lụ mụ đi tiếp đến khi không đi được tiếp thôi. Nhưng nếu vẫn không người hiểu và tôi cũng không hiểu được người, nếu cả khi cái tiếp tục dằng dai này có thể không ai nhìn, nhận ra đi nữa thì tôi có tiếp tục không? 

“Ta cứ ngỡ đầu đường thương xó chợ

 Có ai ngờ xó chợ cũng thương nhau”

-Bùi Giáng

Hẳn đôi khi, người ta gặp tôi, đầu đường xó chợ, mèo mả gà đồng, đầu sông cuối bãi, mà cũng chưa đến lúc được làm “một người điên rất vui.” Muốn tôi chết đi, thật ra dễ lắm. Muốn tôi điên lên, cũng dễ lắm. Chỉ không ai bắt được tôi phải tuẫn nạn cho những nhãn hiệu và những tín điều.

Leave a comment