[a][fem-uh-niz-uh m][phê-mi-ni-zừ_m] [2]

Ghi chú của Nhã Thuyên: 

Phiên bản đầu của bài viết này đã xuất bản lần đầu trên Damau. 25/10/2012, trong loạt tiểu luận Những tiếng nói ngầm  (http://damau.org/archives/26386).

Tôi đã dành nhiều ngày qua để sửa chữa lại, mà không có lí do gì khác ngoài việc tôi thấy cần sửa sang, vì lòng trân trọng của tôi với bạn đọc và câu chữ, vì [may mắn thay] tôi đã thay đổi điểm này điểm khác, và các ý tưởng cũng được tôi nhìn thấy sáng rõ hơn. Tôi tin rằng phiên bản sửa cuối này [hi vọng thế] tốt hơn nhiều. Tôi trước hết đăng phiên bản sửa chữa này ở đây. Có một đôi điểm nhỏ: 1. Bài viết ngày, ngoài những câu trích dẫn, tôi không dùng từ “phụ nữ”, tôi chỉ dùng từ “người nữ.” về nguồn gốc của từ “phụ” trong chữ phụ nữ, tôi cần tra khảo thêm một chút. 2. Tôi để feminism|nữ quyền luận |nữ tính luận – là vì chữ ‘nữ quyền luận’ làm hẹp nghĩa và đẩy các tranh luận chỉ tập trung vào bình đẳng giới hoặc đòi hỏi những quyền bằng/nhiều hơn cho nữ so sánh với nam giới. Nhưng feminism có lẽ cần thảo luận rộng rãi hơn.

Tôi cũng đang sửa soạn bản thảo một tập sách từ những tiểu luận này, bản thảo mà tôi đã bỏ mặc 4 năm qua vì cảm giác căng thẳng khi nhìn lại, không thể tiếp tục, đến lúc này tôi vẫn có cảm giác khó khăn. Nhưng có lẽ năm nay tôi cần kết thúc nó, để có thể nhẹ nhõm hơn và dành năng lượng cho những mối quan tâm khác.

Tôi hẳn nhiên, mong nhận được những trao đổi.  🙂

N.T

 

 

 

Những tiếng nói cộng hưởng

 

Tấm gương soi tôi

Có một phản ứng rõ ràng trong tôi: không, tôi không muốn đóng sự viết và sự đọc văn chương vào các khung khổ giới tính, tôi không muốn đính kèm thơ những từ chỉ giới, nữ hay nam, đồng tính hay dị tính, những nhãn hiệu làm tôi nặng nhọc như thể nhìn lại những đồ dùng thừa thãi mà mình đã thiếu tỉnh táo đèo bòng trong một chuyến đi xa. Nhưng tôi cũng đã nghe một tiếng thì thầm khác: có những câu chuyện như chỉ khởi nguồn và chảy trôi trong những trải nghiệm của các tác giả nữ. Gõ cửa những ngôi nhà nhỏ riêng tư của các nữ thi sĩ hay áp tai vào những bức tường cô quạnh của họ, đôi khi tôi đã chạm điều này: một nỗi hạnh phúc của tự do đơn lẻ, đôi khi là sự đơn lẻ quyết đoán đến mức như không ai thâm nhập được – đôi khi tôi gõ cửa, và chỉ nghe vọng lại chính tiếng gõ mơ hồ của mình, đôi khi áp tai vào tường, và tôi chỉ cảm thấy hơi thở của làn rêu quạnh quẽ. Lúc khác, tôi nghe tiếng la hét, tiếng thét lạ lùng, tiếng đập phá, tiếng tường vỡ, tiếng đá rơi, tiếng khóc, tiếng than thở, tiếng rên rỉ, tiếng cười ngạo nghễ, tiếng gieo mình tuyệt vọng xuống một vực thẳm tưởng tượng… Và cả khi tai tôi đập dội những lời biện giải, phân tích hay những tuyên ngôn, kết án hùng hồn, tôi vẫn thấy cảm giác và tưởng tượng sởn lên trên những lớp da cơ thể nữ, và cơ thể tôi có thể rung động tự nhiên, dù cùng nhịp hay giữ khoảng cách của ngắm nhìn. Chính bởi thế, trong tiểu luận này, tôi chọn việc sử dụng cách định danh tạm thời là thơ nữ, và chọn quan sát hình ảnh (tự) phản chiếu của người thơ nữ ở khía cạnh riêng tư hơn cả, gắn với việc ‘là nữ’ hơn cả: những tự sự của thân thể. Những tác giả tôi đề cập ở đây, có thể không phải những nhà thơ (nữ) thuận theo những ưa thích cá nhân của tôi, nhưng chia sẻ một câu chuyện chung mà tôi cũng ít nhiều can dự: tôi nhìn thấy ở họ lựa chọn viết như một cách phô bày kinh nghiệm nữ, đồng thời, bằng sáng tác, họ thẳng thắn và quyết liệt với ý hướng từng bước bác bỏ việc người nữ là một đối tượng bị soi, khẳng định chủ thể tự soi chính mình. Đối thoại và tiếp nối những kinh nghiệm nổi loạn từ quá khứ, sáng tác của họ trỗi lên ý thức phản kháng mạnh mẽ với cấu trúc xã hội mang tính trấn áp, nỗ lực hình dung lại về người nữ, làm hiện hữu tính nữ cũng như khơi gợi hi vọng về một cộng đồng người viết nữ Việt Nam. Ít nhất, đó là một câu chuyện thiết thân đã được khơi lên trong văn chương Việt gần đây.

Vào khoảng những năm đầu thiên niên kỉ, dường như có lúc người đọc tiếng Việt đã chờ đợi một làn sóng thơ nữ, với những tác giả cấp tiến về quan niệm và tìm tòi trong nghệ thuật viết, hợp lưu cả trong và ngoài nước, thuộc nhiều lớp tuổi gối tiếp nhau, có thể kể tới ở hải ngoại Lê Thị Thấm Vân, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trịnh Thanh Thủy, Đỗ Lê Anhdao, Miên Đáng, Trần Minh Quân…, song song với trong nước là Dư Thị Hoàn, Ý Nhi, và những nhà thơ trẻ như Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thúy Hằng, nhóm thơ nữ Ngựa Trời với Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Khương Hà, Phương Lan, Nguyệt Phạm… Trong số này, một vài người bày tỏ quan điểm đòi quyền cho nữ giới khá trực diện, một vài tiếng nói khác lại dường như mang vẻ ‘phi chính trị’, khám phá những thể nghiệm của tưởng tượng và từ chối diễn đạt các thông điệp. Vậy thì bằng cách nào, tiếng nói của thân thể, của tưởng tượng, những quan niệm tình yêu, tình dục, sự tự định nghĩa… vượt qua ý nghĩa riêng tư để trở thành câu chuyện chung của thơ nữ? Bằng cách nào, những cá thể hiện diện lẻ loi cạnh nhau lại khiến ta phản tỉnh về sự trấn áp và nhu cầu kháng cự lại những trấn áp? Mối quan hệ quyền lực nào cần được phản tư và phê bình, giữa nữ và nam, đàn bà và đàn ông, người viết nữ và người viết nam, người viết nữ và cấu trúc xã hội, người viết nữ và chính bản thân họ, hay thiết thân hơn, quan hệ bất bình đẳng lâu dài giữa sự hiện diện của tính nữ và tính nam? Thành thật, mặc dù tôi chưa may mắn nhìn ra nhiều tiếng nói độc đáo của những cây bút nữ viết tiếng Việt, tôi tin đã có những chất vấn đáng kể phá dỡ định kiến lên người nữ và biểu thuật về người nữ trong văn chương Việt Nam giai đoạn vừa qua, cũng là một giai đoạn đang trôi qua, thông qua các chiến lược ngôn ngữ làm hiện diện rõ hơn những trải nghiệm nữ, khí chất nữ làm nên sức sống của nhiều ngòi bút.

 

Tôi là đàn bà: Ngọn cỏ gió đùa

Hình ảnh người nữ phản kháng lại diễn ngôn đực tính, diễn ngôn của chế độ phụ quyền như một gánh nặng quá khứ xuất hiện trong nhiều trang viết nữ với sự bộc trực của ngôn từ và thông điệp thơ. Mặc dù chỉ có bốn tác giả nữ xuất hiện trong một tuyển tập khá đặc sắc 26 nhà thơ Việt đương đại (Nhà xuất bản Tân Thư, Hoa Kỳ, 2001) gồm Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Huệ (ngoài nước), Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư (trong nước), chủ đề cổ xúy cho nữ quyền, đặc biệt ở hai tác giả Nguyễn Thị Hoàng Bắc và Lê Thị Huệ vẫn tạo nên một ấn tượng gây hấn. Tôi thích thú với Nguyễn Thị Hoàng Bắc vì giọng điệu riêng biệt, hài hước lẫn đau xót, khinh bạc và thấu hiểu, nhạo báng mà không cao giọng, sẵn sàng tấn công mà vẫn có vẻ gì đó thơ mộng.

Nghinh hôn

 

thình lình
tiếng trống nghinh hôn              vang lên
một hồi trống trận
đã đến giờ rước dâu                                             rồi sao
sơn cùng thủy tận
tôi sẽ làm gì                                                   với thằng người đàn ông ấy

nó sẽ làm gì tôi

tiếng trống nghinh hôn

thùng thùng trống trận

như lời mụ giả làm mai mối nói

mai này

đời hai con sẽ rồi                                            kết nối

tóc tơ bền vững

sát cánh chung lưng

đứng

trên cùng một mặt trận
tôi và thằng người hình nhân ấy
tiếng trống dang tay
đối mặt nhìn nhau
so găng thật ngầu

Ở đây, hình ảnh một lễ đón dâu long trọng, thiêng liêng theo lệ tục truyền thống, hình ảnh tiêu biểu của tôn ti và lễ giáo, kết tụ cả quan niệm tình yêu, hôn nhân trở nên suồng sã thông qua thao tác đổi trường từ vựng: từ ngữ miêu tả cuộc nghinh hôn đồng thời tái hiện một cuộc chiến đấu thực sự, trống nghinh hôn thành trống trận, cảnh thề bồi giao ước được tái hiện như là “trên cùng một mặt trận”… Ta thấy sự chuyển đổi tình thế từ bị động sang chủ động của người nữ bắt nguồn từ sự thay đổi cái nhìn với đối tượng: đến cuối bài thơ, ‘thằng người đàn ông ấy’ chỉ còn là ‘thằng người hình nhân ấy’, một đối tượng có khả năng áp chế (đàn ông) trở thành một hình ảnh thụ động, một bóng ma (hình nhân). Với một bài thơ dường như vui vẻ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc một mặt đã lật đổ quan hệ phu – phụ tôn ti bằng cách xác lập quan hệ tay đôi ngang hàng, một mặt lật tẩy hệ thống ngôn từ áp bức người nữ từ vô thức của người viết và người đọc bằng cách nhại lại hệ thống ngôn từ đó. Một cuộc chiến đấu hẳn sẽ quyết liệt (‘so găng thật ngầu’) nhưng không cao giọng, vì thế, bài thơ, ở một nghĩa khác ánh lên, lại thật thơ mộng.

Ở một bài thơ khác, Nguyễn Thị Hoàng Bắc lật ngược tình thế cho những người nữ vốn bị đóng đinh vào hình ảnh ‘đàn bà đái không qua ngọn cỏ’ bằng sự tái diễn giải táo bạo hành vi này. Bài thơ Ngọn cỏ dưới đây lần đầu đăng trên tạp chí Hợp Lưu 1997, và đăng lại trong tuyển tập thơ nói trên đã từng là một scandal về người nữ ‘đái ra thơ’:

Ngọn cỏ

 

tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi

tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ

 

bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
Bài thơ này đem lại cho tôi nhiều cảm xúc: vừa nhạo báng ngạo mạn vừa thật gần gũi, thậm chí trìu mến, vừa thách thức vừa tự khai báo thân phận, vừa giễu cợt vừa đau xót. Hình ảnh người nữ | đàn bà tự lắng nghe âm thanh tiếng nước đái tí tách, hình dung sắc vàng sóng sánh tuôn ra từ cơ thể mình, tự miêu tả tư thế ‘chễm chệ’ trên bồn cầu của mình, và không chút ngượng ngùng biểu diễn lại thao tác của thân thể đó gây ấn tượng bởi sự đùa bỡn ngang tàng, sự bài bác hài hước và thông minh những nguyên tắc nữ tính thường bị điều khiển bởi cái nhìn nam và chính người nữ thần phục. Trong cách hiểu của tôi, hứng thú đùa bỡn với sản phẩm bài tiết của cơ thể mình (nước đái), tự quan sát và phô bày không gian kín (phòng vệ sinh) ở đây tạo thành một hợp thể hình ảnh và hành vi tiết lộ một dạng cảm xúc phóng túng tự nhiên và niềm vui biểu đạt tự do – có lẽ rất khác với những cách làm việc với các chất liệu dơ bẩn trong nghệ thuật đương đại để biểu thị những ý tưởng tham vọng và gây sốc hơn, liên tưởng trường hợp Merda d’artist/Artist’s shit (Cứt của nghệ sỹ) của Pierre Manzoni hay Shit Show (Triển lãm Cứt) của Serrano chẳng hạn. Hình ảnh tưởng tượng phóng đại có tính chất nghịch dị về người đàn bà trở nên ‘to con mập phệ’, kết quả của việc ‘ngồi rồi’ trên bồn cầu, sẽ làm sản sinh một dòng nước ‘tí tách như mưa’ có thể đọc như một phúng dụ của sự bất tuân nhưng với một niềm vui nhẹ nhõm đến ngạc nhiên. Ngoài ra, sẽ không thể hiểu hết sắc thái hài hước của những hình ảnh thơ này nếu không hình dung lại về không gian sinh hoạt truyền thống của người nữ Việt Nam ở nông thôn cũ, khi nhà vệ sinh hiện đại chưa xuất hiện, và toilet của họ có thể là một khoảng vắng giữa cánh đồng – sự riêng tư được thực hiện giữa chốn công, ngược lại với không gian toilet khép kín của cuộc sống hiện đại. Theo mạch liên tưởng này, bài thơ có thể tạo ra những không gian giao tranh lưỡng lự giữa tư và công, truyền thống và hiện đại, văn minh làng xã và văn minh công nghiệp… và hành vi tự-nhìn của người nữ ở đây rõ ràng không tách rời với ý thức diễn giải lại quá khứ và không gian của quá khứ. Nếu hiểu tiến trình lột mặt nạ này như một cách thức phản kháng, thì nó là một cuộc tấn công nhiều đích ngắm, trong đó không chỉ cái nhìn nam, cấu trúc xã hội mà còn cả không gian sống cũng được diễn giải lại, và xa hơn, ngầm diễn giải lại những áp bức gắn chặt trong ngôn ngữ. Việc làm thơ, sự tự tiết lộ thân phận mình trong thơ không phải là một cuộc trị liệu tâm lý cá nhân, mà thành sự kích thích những cú lội ngược dòng ngoạn mục theo ý nghĩa này. Nỗ lực phá dỡ các bức tường tù ngục bao quanh một cá nhân trở nên quan trọng không kém việc phá dỡ các bức tường tù ngục bao quanh một cộng đồng rộng lớn hơn.

Ngọn cờ đào của xương chậu & những cơ thể tha hương

Trước khi bàn tiếp một chủ điểm khác của thơ nữ, tôi xin nhắc lại ở đây một điểm bùng nổ tranh luận về nữ quyền trong cộng đồng người viết tiếng Việt năm 2005 liên quan tới việc sử dụng thân thể (nữ) trong sáng tác. Tâm bão có thể là một chuỗi trò chơi theo ý những người chủ trương Tạp Chí Thơ: số Mùa Xuân 2005, chuyên đề “(tôi là) Trung Tâm của Vũ Trụ” đã để những cái rốn của 26 nhà thơ (nam, nữ, bất kể giới tính) tự kể chuyện mình, cùng các bài thơ viết tự do về thân thể, song song là mục Đố Vui Có Thưởng trên website Tạp chí Thơ (nay đã ngừng hoạt động), một game cho bạn đọc đoán những nhà thơ ‘vui vẻ khoe rốn cùng thế giới’ bằng cách click chuột vào rốn, cùng nhiều game sử dụng hình ảnh thân thể khác như Gian Hàng Cơ Thể, Những Khung Cổng Chậu, Ngọn Cờ Đào Của Xương Chậu, tạo nên một cuộc nhậu thân thể rầm rộ và gây ra những phản ứng trái chiều.

tct_final061704

Cực đoan nhất là phản ứng của một nhóm nữ quyền mang tên Nguyễn Trần Khuyên (gồm Nguyễn Vũ Khuyên và Trần Minh Quân) với bài viết Một nền văn học xây dựng từ Đực và phục vụ cho Đực[1] chia hai luận điểm rất rõ ràng: phản ứng các sáng tác ‘duy dương vật’ của các cây bút nam trên các diễn đàn Tiền Vệ, Talawas và phản ứng việc các bút nữ đã tham gia cuộc chơi trên Tạp Chí Thơ cùng các sáng tác của họ như biểu hiện của “Một nền văn học phục vụ cho Đực − Sự thiếu ý thức về văn hoá và nữ quyền của các cây bút nữ”. Trong luận điểm thứ nhất, các tác giả nhóm nữ quyền này đã đưa ra một thống kê: “tỉ lệ họ sử dụng hình ảnh làm tình, các bộ phận phụ nữ để nói lên vấn đề chính trị, xã hội đến khoảng 70%… Điều nguy hiểm trong công cuộc đòi hỏi tự do và tạo ra cái mới là các ngòi bút nam trực tiếp hạ nhục phụ nữ qua việc biến họ thành những vật đụ, không hơn không kém”. Trong luận điểm thứ hai, nhóm tác giả phân tích hành vi khoe rốn của các tác giả nữ như một biểu hiện của ý thức nữ quyền hời hợt, sập bẫy và lặp lại “truyền thống duy dương vật”. Tiếp đó, nhóm Nguyễn Trần Khuyên mở chiến dịch lấy chữ kí “Chống văn chương miệt thị nữ giới”, yêu cầu Tạp Chí Thơ rút khỏi trang web những hình ảnh lạm dụng thân xác nữ, “phơi bày thân thể phụ nữ như một món hàng để thoả măn dục tính cho đàn ông.”[2] Bỏ qua những xung đột nảy lửa trong quan điểm của các cây bút nam nữ, tôi cho rằng bài viết đã đưa ra những luận điểm sâu sắc có thể tranh luận xa hơn. Đó là một tiếng nói nữ quyền rõ rệt, cùng với những tranh luận được khởi xướng trước và sau đó, như sáng tác của các tác giả nữ trên Tạp Chí Thơ cuối thập niên 1990, chuyên đề Tình yêu, tình dục và phái tính trong văn học của Tạp Chí Việt số 4 đầu năm 2000, chuyên đề Tình yêu và tình dục trong văn chương trên Tiền Vệ, những tranh luận xung quanh nhóm Ngựa Trời, các chuyên đề giới tính của Da Màu… cho thấy sự va chạm giới tính mạnh mẽ trong sinh hoạt văn chương nói chung trong thời kỳ này.

Tôi nghĩ tới sự tương thích với một ý tưởng từ bài viết Rethinking the Public Sphere: A contribution to the Critique of Actually Existing Democracy[3] của Nancy Fraser: từ việc chỉ ra tính chất lý tưởng hóa không gian công tư sản và điểm mù về giới hay tính chất đực tính trong quan niệm về không gian công của Jürgen Habermas, Nancy Fraser đã đề cập tới sự tồn tại các không gian công cạnh tranh của các nhóm bên lề − những nhóm bị loại trừ bởi không gian công chính thức (official public sphere), chẳng hạn như các nhóm nữ mà bà định hình trong thuật ngữ ‘counterpublics’ (tạm dịch: các nhóm đối-công). Những nhóm nữ quyền phần nào tự phát được nhắc tới ở trên có thể xem như một nỗ lực để không bị loại trừ trong các không gian công văn chương ở Việt Nam. Tôi băn khoăn: phải chăng, trong bối cảnh các bức xúc chính trị và nhân quyền ở Việt Nam nói chung dường như có một sức lan tỏa lớn hơn, tiếng nói của những cá nhân về các vấn đề giới tính, màu da… như vậy trở nên thứ yếu hoặc có thể bị diễn giải sai, hoặc khó được đẩy xa hơn?

Trở lại với những tác phẩm thơ nữ, có thể nói, sự bùng nổ những tự sự về/của thân thể và chủ đề tình dục như một dạng trải nghiệm và khám phá lại chính mình tỏ ra là một cách thức hiệu quả để đối đầu với sức mạnh trấn áp của những định kiến xã hội. Về mặt nào đó, việc thân thể tự do lên tiếng, nổi bật lên ở cả niềm hân hoan thân thể được phát hiện trở lại và nỗi đau đớn thân thể được tỏ bày, có thể đọc như một chiến lược văn bản tấn công vào các khuôn mẫu về cái đẹp và nữ tính phương Đông phổ biến, vốn coi trọng nín chịu và ẩn giấu. Có thể thấy, nhiều khi đó là sự lựa chọn một kiểu thẩm mĩ ít nhiều nghịch dị nhằm đả phá sự quen dùng những hình ảnh có tính chất trang trí về người nữ, đả phá việc hưởng thụ/tiêu thụ cái đẹp của người nữ theo sự ưa chuộng của các ‘khách hàng’ nam giới. Người nữ cảm thấy thế nào khi phơi ra những phần cơ thể bị cấm kị của họ? Niềm vui khám phá và làm chủ thân xác của mình? Nỗi thẹn thùng? Vẻ thản nhiên? Hay là cảm giác thách thức của kẻ tranh đấu? Lê Thị Thấm Vân, đã khoe những sợi lông nách một cách hân hoan cùng hình chụp cơ thể mình:

Giơ tay[4]

cám ơn nhà thơ Đỗ Kh.

Tôi đã từng (phải) giơ tay

xin phép

điểm danh

đồng ý

đầu hàng

trình bày ý kiến

cùng nhiều lý do khác,

nữa.

 

Lúc này tôi (đang) nằm

giơ tay để

lộ những sợi lông

nách mới mọc lún phún của tôi,

thế thôi.

nach

Năm nhà thơ nữ của nhóm Ngựa Trời trình diễn ngay trên trang bìa tập thơ Dự báo phi thời tiết (nxb Hội nhà văn, 2006), phần nào gây sốc thị giác và đó là một trong những nguyên nhân cơ quan kiểm duyệt văn hóa đưa ra quyết định thu hồi tập thơ sau khi được xuất bản.

tải xuống

Câu chuyện dường như hết sức riêng tư, nhỏ bé trong bài thơ dưới đây của Trần Minh Quân, một tác giả hiện đang định cư tại Mỹ, một trong những người khởi xướng nhóm nữ quyền Nguyễn Trần Khuyên được nhắc tới trên kia, mang lại nỗi xúc động của sự khám phá mới về cơ thể nữ. Những giọt máu lã đã rơi và tiếng nước nhỏ giọt, hai cá thể trần truồng, yếu đuối mà đầy tràn sức sống của tưởng tượng:

Hai đứa kinh nguyệt trần truồng[5]

Trước kỳ kinh nguyệt tới, máu đóng cục lã đã rơi làm tôi lơ đễnh,
hai đứa trần truồng nằm nghe tiếng nước nhỏ giọt trong bồn tắm,
trả lời câu hỏi của một buổi sáng ẩm mốc:
Vâng, thể xác cô ấy là sự chuyển động.
Nó bám lấy cơ hội khi tôi trượt chân
xiết tay tôi lâu hơn lịch sự cho phép,
thông điệp là sự thèm muốn được hôn lên quần áo (vì chúng đang phủ người tôi).
Từ phía sau cô ta thở những dấu hỏi vào tai,
nhưng điều duy nhất lúc ấy tôi hiểu được
là khoảng cách giữa bàn tay tôi và môi cô ấy.
Vâng, toàn thân cô ấy là những sự thèm muốn lạc mất vị trí,
mắt mũi, tay chân, mùi thuốc lá cô ta hút –
chúng bay bổng rồi bám vào tôi.

Ở một phía cảm hứng khác, không khai thác hưởng lạc thân thể, Lynh Bacardi thật sự làm tôi ấn tượng với những cơn cuồng phóng đọa đày, nỗi đau đớn và tồn tại nghiệt ngã của thân xác, nhất là trong những rối loạn tâm thần:

Bẩm sinh

 

nàng ba mươi tuổi

người đàn bà có vết chàm bên khóe mắt trái

tôi ngửi thấy mùi máu trên thân thể nàng

trời tối nặc mùi ống cống

chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân

nàng đi thật chậm xuống thang gác

cái nhìn mù lòa

con đường gắt nắng và tiếng còi hụ

mẹ nàng được phát hiện bị giết trong phòng ngủ

tay cầm con cu giả chạy pin

 

máu nhỏ xuống bậc thang

 

nàng ba mươi tuổi

(Từ tập Dự báo phi thời tiết)

Ở bài thơ này, bí mật tăm tối của thân xác và sự phơi bày ẩn ức theo một cơ chế ngôn ngữ tàn bạo là cách Lynh Barcardi phản kháng bạo liệt các thiết chế có tính trấn áp. Ấn tượng về mùi máu trên cơ thể, vết máu trên bậc thang, cái chết của bà mẹ với đồ chơi tình dục trên tay, kim tiêm dưới gan chân… là những dấu hiệu kích động thân xác, đậm đặc chất liệu đô thị, khiến người đọc rùng rợn và thức tỉnh về sự hiện hữu tàn nhẫn của trạng thái phi nhân tính, loạn động vật trong không gian sống thường nhật, mà kẻ chịu đày đọa khủng khiếp nhất chính là đàn bà. Ở chỗ này chỗ khác, ta có thể nghe vọng ‘những cuộc độc thoại của âm hộ’ của Eve Ensler[6].

Khai thác bản năng, đẩy cao nhu cầu thân xác khiến việc viết về tình yêu và tình dục trở thành chủ đề thích hợp cho một cái nhìn nhân bản: vừa là cái gì thuộc về con người nói chung, vừa là đặc thù của người nữ, như một nạn nhân của khao khát bị đè nén và như kẻ đang dò dẫm trong bóng tối và những bí mật hòng tìm lại sức sống của chính mình. Cái tôi bản năng đam mê của Lê Thị Thấm Vân hay Phương Lan với nồng độ đậm đặc của các ấn tượng tình dục và cảm xúc căng mở có thể là những ví dụ tiêu biểu cho khía cạnh này. Tuy nhiên, có một câu chuyện chính trị dường như tăm tối hơn: tôi muốn dẫn ra đây một tác phẩm viết về tình dục nhưng không gợi cảm giác luyến ái nồng nàn, si mê, mà tục tằn, bạo lực, căng thẳng, phơi bày cái nhìn của những nạn nhân, đồng thời đầy thách thức trong những bi kịch được phát hiện. Xin đọc một bài của Lê Thị Thấm Vân:

GIÁ TỰ DO [7]

 

Đêm trước ngày vượt biển

mẹ thắp nhang lâm râm khấn nguyện

“Lạy trời phù hộ cho con tôi thoát…

thoát công an

thoát tù tội

thoát bầy cá đói mồi

thoát bọn thú dữ mặt sạm, cằm bạnh, mắt trợn trắng dã, nước dãi ứ đầy miệng đang chực chờ ngoài biển khơi.”

 

Nhưng trời che mắt, bịt tai, ngoảnh mặt.

Con gái tuổi trăng rằm

ba lần bị

chín giống đực xịt tới tấp tinh khí vào âm hộ-hậu môn-mắt-mũi-miệng-tóc-tai-bụng-đùi-ngực…

 

Thân xác người thiếu nữ

là bữa cỗ ngon cho bầy cá

dưới ánh trăng rằm.

Hoàn toàn bộc trực và rõ ràng về thông điệp, bài thơ là một bằng chứng cho thân phận của những cơ thể tha hương. Viết, một cách nào đó là nhằm khơi lại những vết thương của tự do − tôi không biết trải nghiệm quá khứ thực tế của nhà thơ nữ di dân này − cái giá đắt đỏ của việc đổi lấy tự do ở một phương trời khác, chấp nhận sự chà đạp lên chính thân thể mình. Nhu cầu nhân quyền (tự do) chèn ép nữ quyền (sự bạo dâm phải chịu đựng) khiến cho tư tưởng từ bài thơ này ở vào một tình thế chênh vênh của những trấn áp. Hình ảnh cuối, thân xác thiếu nữ trở thành bữa cỗ ngon của bầy cá dưới trăng rằm đem lại một cảm giác đau xót bạo liệt về sự chà đạp. Sự tái hiện thẳng thừng những kinh nghiệm vượt biên đau đớn của người nữ trong bài thơ này, hay việc sử dụng hệ từ vựng chiến trường như một thao tác giễu nhại ngầm ngôn ngữ thời chiến trong những bài thơ của Nguyễn Thị Hoàng Bắc tôi đã dẫn trên kia, cho phép người đọc mở rộng chủ đề nữ quyền trong liên hệ với một chủ đề khác: chuyện quốc gia. Tình thế của những người nữ − nạn nhân ở đây có thể đặt trong phả hệ những hình dung có tính chất huyền thoại hóa người nữ Việt Nam với dân tộc, quốc gia, trong đó người nữ không chỉ là nạn nhân của cấu trúc xã hội phụ quyền và các quan niệm gia trưởng truyền thống mà có thể còn là nạn nhân của các diễn ngôn về quốc gia dân tộc, bị chiếm đoạt để phục vụ cho các diễn ngôn quốc gia. Bộ phim Surname Viet, Given Name Nam của Trinh T. Minh-ha (1989) có thể cần được gợi nhắc ở đây, trong sự đồng vọng của những cơ thể trôi dạt trong lịch sử.

Nữ tính hiện hữu: Những tiếng nói cộng hưởng                    

Đến đây, tôi muốn lần dấu một quá khứ xa hơn, xới lật những lớp đất sâu hơn để hiểu một phả hệ thơ nữ Việt Nam và thơ về người nữ, không loại trừ những biểu thuật bị-được nhìn bởi cái nhìn nam. Nhưng có lẽ thiết thực hơn, và vừa sức hơn, tôi sẽ chỉ khơi một câu chuyện đang dần thuộc về một quá khứ gần, để thấy những bước chuyển dạ không ít đớn đau trong nỗ lực tự sinh thành những cá thể thơ mới của các tác giả nữ Việt Nam. Đây cũng là chỗ câu chuyện về bình đẳng có thể được tra vấn lại, mở rộng hơn: feminism|nữ quyền luận|nữ tính luận không phải [chỉ là] tiếp tục cuộc chiến đấu cho bình đẳng giới để người nữ có những quyền tương đương hoặc nhiều hơn người nam [một cuộc chiến đấu có lẽ đã ít nhiều bế tắc, trong chính ý tưởng bạo lực của nó, khi lặp lại và nhân rộng mô hình nam tính phổ biến có xu hướng khẳng định tham vọng quyền lực nhằm thiết lập trật tự và điều khiển] mà feminism nằm trong nỗ lực chống lại sự điều khiển, làm chủ của các đặc tính nam ấy [chứ không phải chống lại nam giới], và đồng thời, sự viết lại và làm hiện hữu tính nữ, làm cho tính nữ được nhìn thấy, được đối thoại có thể gợi mở một hành trình (tự) buông phóng thoát khỏi các trấn áp bạo lực. Sự bình đẳng không nằm ở những từ định danh với những biểu thị xơ mòn, mệt mỏi về việc là nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà, người viết nam hay người viết nữ, nữ quyền hay nam quyền, mà có thể nằm ở khả năng thoát ra ngoài vòng kiềm toả của những quan hệ bạo lực.

Trong đời sống thơ Việt sau chiến tranh, người đọc đã từng chứng kiến sự trỗi dậy và bùng nổ nhu cầu được nói bằng giọng nữ trong thơ các tác giả nữ. Đây có thể xem như làn sóng thức tỉnh đầu tiên về tính nữ, nhưng dễ đồng thuận đây là một sự tự định vị tính nữ trong/cùng/khít vừa với các khung khổ của tính nam. Như một hệ quả của việc bị đẩy vào điểm mù giới tính, nam hóa hay vô giới tính hóa trong suốt một thời kì chiến tranh kéo dài, thơ của nhiều tác giả nữ vốn gắn với các phong trào cách mạng như Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây lúc này đầy ắp khắc khoải riêng tư về những phận đàn bà đi qua chiến tranh, nhu cầu được làm mẹ, làm vợ bình thường, nhu cầu được yêu và khẳng định tình yêu, trong sự chấp nhận, hay thậm chí ngợi ca những ‘bổn phận nữ’, vốn thường bị dẫn chiếu đơn giản tới một tập họp những biểu thị của cuộc sống cá nhân chật hẹp trong không gian gia đình, bếp núc… Họ nhẫn nại tự ru mình và chờ đợi người lính ở chiến trường: “Là phụ nữ tôi trở về kim chỉ/ Giỏi thêu thùa và may áo trẻ con”, và chấp nhận trong nước mắt nuốt ngược: “Hằng đêm thêu hàng đêm qua lặng lẽ/ Đâu chỉ mình tôi anh ấy không trở về” (Vô đề – Lê Thị Mây, trong tập Những mùa trăng mong chờ, 1980). Đôi khi ta cũng nghe thấy những giọng phá cách, những tiếng hét muốn nổ ra, như người nữ trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên “Em muốn giang tay giữa trời mà hét” (tập thơ cùng tên, 1992), nhưng chủ yếu vẫn là những tiếng nói bày tỏ nhu cầu được yên ổn sống với cảm xúc riêng tư trong ‘vòng tay người nam’, có thể xem như một hình ảnh biểu thị giới hạn đã phân định và được thông qua của cấu trúc xã hội về giới một cách phổ biến. Chính thế nên tự sự về nỗi đau và sự lựa chọn tan vỡ của cô gái trong thơ Dư Thị Hoàn vì người tình bất cẩn với thân thể nữ của cô “Sau giây phút êm đềm trên ghế đá, Anh không cài khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ – từ tập Lối nhỏ, 1988) mới từng thành chuyện động trời![8] Tôi không muốn nhìn mối tình tan vỡ này chỉ là một tình huống bị động, một sự chấp nhận và chịu đựng nỗi đau, cũng không phải một sự phóng đại nỗi đau một cách trần trụi của người nữ. Tôi muốn nhìn thấy ở đây một sự lựa chọn tan vỡ, có lẽ là cần thiết và không thể khác, dù có vẻ như quá chừng quyết liệt. Kết cục không dẫn tới một quan hệ hôn nhân truyền thống như kịch bản thuận buồm xuôi gió ban đầu “Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng” có thể đọc như lựa chọn tách rời cơ thể người nam để trở nên độc lập của người nữ. Niềm kiêu hãnh nữ tính, một thứ huyền thoại, được khẳng định, đồng thời bị-được tự phá huỷ, để tự nới rộng những khả năng ôm chứa của nó. Tôi nhìn người nữ trong thơ Dư Thị Hoàn, hay chính người thơ Dư Thị Hoàn, một điểm nhấn khó phai của thơ nữ thời kì Đổi Mới, như đang trong cơn chuyển dạ đau đớn trần trụi đó: họ, cùng lúc, thâu nhận vào mình những chịu đựng áp lực nặng nhọc của lịch sử và số phận với lòng quả cảm, đồng thời ý thức được sự không thể khác của những tan vỡ để trở thành một cá thể độc lập, và bởi thế, vỡ ra những tiếng thơ dồn nén, xiết chặt, ẩn ức, đầy dằn vặt.

Tôi không biết có thể khẳng định đã xảy ra làn sóng thức tỉnh thứ hai, thứ ba về nữ tính|nữ quyền trong văn chương Việt, khởi sự với những nhà thơ nữ xuất hiện những năm đầu thiên niên kỉ mà tôi phân tích trên kia. Có thể thấy, từng bước, từng bước, các nhà thơ nữ Việt Nam, không kể sống trong hay ngoài nước, ở nhiều độ tuổi khác nhau, đã bày tỏ, chia sẻ, đồng vọng cách này cách khác với những tiếng nói dần mạnh mẽ lên, thẳng thắn hơn, trực diện hơn và những diễn đạt phóng túng, phơi mở hơn. Sự khai thác, có lúc ồ ạt, chất liệu thân thể – dù giới hạn của các chủ đề và cách thức tiếp cận dường như đã được cảnh giác đâu đó, về khả năng thân thể nữ bị công cụ hóa, hay những motif khuôn sáo về tình dục hoặc những thông điệp được trình bày đơn giản – có thể xem như hệ quả tự nhiên của quá trình (tự) buông phóng khỏi những áp lực của cấm kỵ, đồng thời là một chiến lược hiệu quả trong nỗ lực khẳng định lại sự độc lập, chống ý thức hệ gia trưởng và các diễn ngôn trấn áp đã hằn sâu lên thân thể của người nữ theo những cơ chế tinh vi. Tôi cho là đáng kể, quá trình chuyển hóa lâu dài và bền bỉ trong cách người nữ tự soi chính mình này: từ ý thức được tình cảnh bị trấn áp tới ý thức về giá trị, từ phản biện điều kiện bên ngoài, lật tẩy hiện trạng cấm kị của xã hội và văn chương, tấn công các thông điệp trấn áp của cấu trúc xã hội nam quyền và diễn ngôn đực tính thông qua các dạng thức huyền thoại hóa người nữ trong quan niệm về nữ tính, cái đẹp, tình yêu, tình dục, hôn nhân… tới sự phản tư bằng chính cấu trúc cơ thể mình và mở ra những khả năng lên tiếng của thân thể, từ việc tham chiếu mình trong khung khổ nam tính tới nỗ lực tách ra khỏi khung khổ ấy và trở nên những cơ thể độc lập. Đó không phải là một cuộc chiến đến từ hư không và trả lại cho hư không của những nữ thi sĩ phóng túng, vi phạm cấm kỵ, đả phá ‘thuần phong mỹ tục’, mà nhiều hơn, mang lại hi vọng nhỏ bé trong nỗ lực gom góp một năng lượng cộng hưởng có tính chất tập thể đến từ những cá nhân riêng lẻ kề cạnh, phần nào có thể liên hệ tới ý tưởng mà Carol Hanish đã làm cho nổi tiếng với bài viết “The Personal is Political”(1969)[9].

Bằng lựa chọn viết và sự bền bỉ không dễ dàng với lựa chọn đó, bằng sáng tác của mình, bằng tồn tại thơ của họ, tiếng nói của những người thơ nữ Việt Nam, có thể là nạn nhân, chứng nhân và người tranh đấu, hay người buông phóng, cùng một lúc, đã gặp gỡ gần như đồng thời với những phong trào nữ giới tự do trên thế giới. Câu chuyện này hẳn nhiên vẫn đang tiếp diễn, ở đây, cũng là ở mọi nơi. Bởi thế, tôi hi vọng bài viết nhỏ này sẽ khơi lại, tẩy xoá và nối tiếp những câu hỏi đã từng được xới lên trong văn chương Việt, đẩy xa, mở rộng hơn những lời kêu gọi, buông phóng những cuộc thể nghiệm văn chương và cả ý thức tự định vị trong sự bình đẳng. Câu chuyện của người Hồi giáo chống lại cái nhìn phương Tây về cái mạng che mặt của họ nhắc ta cảnh giác với mọi khuôn mẫu tư duy, kể cả những khuôn mẫu của cái gọi là tự do. Tôi nghĩ, câu chuyện về feminism | nữ quyền | nữ tính luận hẳn không là câu chuyện của những mẫu thức được nhân rộng hay giới hạn lại trong khung khổ, mà là câu chuyện của những cái nhìn, của những con người cụ thể va chạm và trao đổi. Với tôi, việc thấy được những khả năng của những tiếng nói cá nhân tự do vẫn mang lại tin cậy và chia sẻ, nơi các nhà thơ thật sự có một không gian riêng, chừng như nhỏ bé, nhưng đầy sức thẩm thấu và cộng hưởng, mạnh mẽ và dịu dàng; bài thơ của Miên Đáng dưới đây có thể nói hộ tôi niềm yêu mến những không gian riêng này.

Nhỏ bé, nhỏ bé

Không Gian Riêng này nhỏ bé. Em cũng nhỏ bé.

Quyển sách này nhỏ bé. Em cũng nhỏ bé.

Chú chuột này nhỏ bé. Em cũng nhỏ bé.

Hơi ấm này nhỏ bé. Em cũng nhỏ bé.

Con người nhỏ bé. Em cũng nhỏ bé.

Chàng nhỏ bé, nhỏ bé em.

 

Nhỏ bé nỗi cô đơn,

trái đất thâu dần vào âm thanh ngọt ngào cuối giờ thứ 24.

Ngủ yên.

Nhã Thuyên

2011 – 2016

Last updated: 8/3/2016

 

 

[1] Talawas 07.04.2005, lưu trữ tại: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4231&rb=0102

[2] Thông tin lưu trữ tại trang Gió – O: http://www.gio-o.com/NguyenTranKhuyenTalawas.html

 

[3] Fraser, Nancy (1990) Rethinking the Public Sphere: A contribution to the Critique of Actually Existing Democracy, Social Text (Duke University Press) JSTOR466240, đăng lại trong Calhoun ed. (1992) Habermas, and the Public Sphere, Cambridge Mass: MIT press, trang 109–142.

 

[4] Lưu trữ tại: tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=5206

 

[5] Lưu trữ tại: http://www.gio-o.com/TranMinhQuan4BaiTho.html

[6] Trọn vẹn tác phẩm The Vagina Monologues (1998) của Eve Ensler đã được Hoàng Ngọc Tuấn dịch và đăng nhiều kì trên tạp chí Tiền Vệ, trong chuyên đề Tình yêu và tình dục trong văn chương.

[7] http://tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=viewArtwork&artworkId=1729

 

[8] Bài thơ Tan vỡ, từ tập Lối nhỏ (1988). Hai câu thơ này đã từng gây ra nhiều tranh luận về đạo đức, những ứng xử trong tình yêu, những cấm kỵ thơ ca giai đoạn đó. Dư Thị Hoàn, sau hai tác phẩm thơ Lối nhỏ (1988), và Bài mẫu giáo sáng thế (1993) gây tiếng vang, cơ hồ đã lựa chọn một sự lặng lẽ riêng tư. Năm 2005, sau mười hai năm, Dư Thị Hoàn thông báo về việc chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ ba Du nữ ngâm, đồng thời chia sẻ về cuốn tiểu thuyết Truyền nhân của Rồng và tập du kí chị đang viết, nhưng cho đến nay [2016], vẫn chưa có tác phẩm nào của chị được xuất bản thêm.

[9] Carol Hanisch − The personal is political http://www.carolhanisch.org/CHwritings/PIP.html

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s